Nhiều ngân hàng trung ương tham gia chương trình repo của Fed

Nhiều ngân hàng trung ương nước ngoài bán trái phiếu chính phủ Mỹ và tham gia chương trình mua lại đảo ngược của Fed để hưởng lãi suất.
Trụ sở Fed. (Nguồn: AFP)

Theo số liệu của các chính phủ, các Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác đã bán trái phiếu chính phủ Mỹ trong nỗ lực huy động tiền mặt nhằm ổn định đồng tiền của nước họ.

Theo người phụ trách về chiến lược lãi suất của Mỹ tại J.P. Morgan Securities, Alex Roever, các ngân hàng trung ương nước ngoài đã và đang bán trái phiếu chính phủ Mỹ và tham gia nhiều hơn vào chương trình mua lại đảo ngược của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để hưởng lãi suất.

Ngày 22/2, Phó chủ tịch điều hành của Fed tại New York Simon Potter cho biết, chương trình mua lại đảo ngược của Fed cho các ngân hàng trung ương nước ngoài tăng bởi những hạn chế đối với việc khách hàng điều chỉnh quy mô đầu tư đã được dỡ bỏ.

Theo số liệu được Fed công bố tuần trước, vào ngày 17/2, các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ 246,65 tỷ USD trong các thỏa thuận repo (chương trình mua lại đảo ngược), tăng từ 129,78 tỷ USD của cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó hồi tháng 12/2015, các tổ chức chính thức của nước ngoài, trong đó có các ngân hàng trung ương, bán ròng kỷ lục 48,1 tỷ USD trái phiếu dài hạn của Mỹ, mức bán cao kỷ lục trong một tháng.

Việc các chính phủ nước ngoài bán trái phiếu chính phủ Mỹ diễn ra vào lúc Trung Quốc và các nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu khác phải dùng đến ngoại tệ dự trữ để ngăn chặn dòng vốn bị rút ra khi giá hàng hóa và dầu giảm.

Các nhà phân tích cho rằng số tiền bị rút ra có thể được đầu tư trở lại vào chứng khoán Mỹ bất cứ khi nào những lo ngại về các thị trường toàn cầu giảm bớt và giá dầu ổn định sau khi chạm mức thấp nhất trong 12 năm hồi đầu tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục