NHTM giảm lãi suất

Nhiều ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động

Trong tuần qua, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu giảm lãi suất huy động xuống dưới 8%/năm cho một số kỳ hạn ngắn.
Trong tuần qua, một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm lãi suất huy động xuống dưới 8%/năm cho các kỳ hạn ngắn.

Theo thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), từ hôm nay (20/3), lãi suất huy động của ngân hàng này giảm ở một số kỳ hạn.

Cụ thể, ở kỳ hạn từ 1-3 tháng, lãi suất huy động giảm còn 7,5%/năm, từ mức kịch trần 8%/năm trước đó. Ở kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm từ 10,5%/năm xuống còn 9,5%/năm. Với tiền gửi không kỳ hạn, 7 ngày, 14 ngày và tiền gửi 6 tháng, 9 tháng, Vietcombank vẫn giữ lãi suất huy động như cũ là 2%/năm và 8%/năm.

Theo công bố mới nhất, Vietcombank là ngân hàng có thị phần huy động tiền gửi từ dân cư lớn thứ 3 trên toàn hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần. Cuối năm 2011, thị phần huy động vốn cá nhân của Vietcombank đạt 14%, đứng sau VietinBank và BIDV.

Việc một ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank giảm lãi suất diễn ra trong bối cảnh Chính phủ đang yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ theo hướng giảm lãi suất, nhằm tiến tới giảm lãi suất cho vay. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang cho các ngân hàng tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng.

Trước đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng đã niêm yết lãi suất tiền gửi có kỳ hạn truyền thống là 7,8%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng hình thức lĩnh lãi cuối kỳ và 7,7%/năm đối với hình thức lĩnh lãi hàng tháng. Thậm chí kỳ hạn 9 tháng, lĩnh lãi hàng tháng, lãi suất chỉ còn 7,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất của ACB hiện là 10,8%/năm cho kỳ hạn 13, 24 và 36 tháng.

Theo khảo sát biểu lãi suất của các ngân hàng khác, hai ngân hàng trên hiện áp mức lãi suất huy động thấp nhất, khi đa số ngân hàng huy động tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng ở kịch trần 8%/năm và trên 12 tháng từ 10,5%-12%/năm.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, từ sau Tết cổ truyền đến nay, mặc dù lãi suất không tăng nhưng lượng vốn huy động qua các tuần trong tháng vẫn liên tục tăng.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, huy động vốn tăng trở lại kể từ cuối tháng 1/2013. Tính đến ngày 28/2, huy động vốn tăng 2% so với cuối năm 2012, gấp hơn hai lần mức tăng 2 tháng đầu năm 2012. Tốc độ tăng huy động vốn bằng VND cao hơn huy động vốn bằng ngoại tệ là phù hợp với chủ trương chuyển từ quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ và cho thấy niềm tin của người dân vào hệ thống tổ chức tín dụng tăng lên.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, vốn vay trên thị trường liên ngân hàng thời gian qua chủ yếu được giao dịch ở kỳ hạn dưới 3 tháng, các ngân hàng đã hạn chế vay vốn kỳ hạn dài. Điều này cũng chứng minh hiện nguồn vốn hỗ trợ thanh khoản này đã không còn gắt gao như những năm trước đây chủ yếu vay mượn của nhau kỳ hạn dài hơi để bù đắp trong các khoản tín dụng chưa thu hồi kịp thời.

Điều này cũng được thể hiện ở giao dịch liên ngân hàng. Cụ thể, lãi suất giao dịch bình quân VND tăng đối với các kỳ hạn từ 2 tuần trở xuống và kỳ hạn 6 tháng; trong đó các kỳ hạn từ 2 tuần trở xuống có mức tăng từ 0,18% đến 0,38%; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,77%. Các kỳ hạn còn lại, lãi suất giao dịch bình quân giảm; trong đó kỳ hạn 3 tuần đến 3 tháng, lãi suất bình quân có mức giảm từ 0,03% (kỳ hạn 3 tuần) đến 0,75% (kỳ hạn 1 tháng); riêng kỳ hạn 12 tháng, lãi suất bình quân giảm 4,07%, tuy nhiên các giao dịch ở kỳ hạn này, kỳ hạn 3 tuần và 2 tháng phát sinh không đáng kể./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục