Nhiều ngân hàng châu Âu "dè chừng" về nguy cơ đổ vỡ lây lan

Ít nhất 2 ngân hàng lớn ở châu Âu đang xem xét các kịch bản đổ vỡ lây lan sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng ở Mỹ và bê bối tài chính của ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ là Credit Suisse.
Tòa nhà trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, miền Tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Reuters, ít nhất 2 ngân hàng lớn ở châu Âu đang xem xét các kịch bản đổ vỡ lây lan trong lĩnh vực ngân hàng của khu vực và đang chờ đợi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra những tín hiệu hỗ trợ mạnh mẽ hơn.

Động thái trên diễn ra sau sự sụp đổ của 2 ngân hàng ở Mỹ và bê bối tài chính của ngân hàng lớn thứ 2 của Thụy Sĩ là Credit Suisse.

Lãnh đạo cấp cao của hai ngân hàng trên cho biết hai ngân hàng này đã có các cuộc thảo luận nội bộ về việc ECB nên cân nhắc sớm hỗ trợ các ngân hàng trong khu vực, đặc biệt trong vấn đề vốn và thanh khoản.

Các giám đốc điều hành cho biết ngân hàng của họ và hệ thống ngân hàng châu Âu đều có lượng vốn hóa và khả năng thanh khoản tốt, tuy nhiên họ lo ngại cuộc khủng hoảng niềm tin vào ngành ngân hàng hiện nay có thể ảnh hưởng tới nhiều ngân hàng cho vay.

[Các ngân hàng trung ương phối hợp tìm cách tăng thanh khoản toàn cầu]

Một trong hai quan chức ngân hàng trên cho biết Fed đáng ra phải hành động trước khi sự sụp đổ của hai ngân hàng SVB và Singature tại Mỹ hồi đầu tháng 3 vừa qua làm dấy lên những lo ngại tại châu Âu.

Cũng theo một trong hai quan chức ngân hàng trên, ECB sẽ miễn cưỡng đưa ra tuyên bố trước khi các thị trường mở cửa trở lại đầu tuần - thời điểm dự kiến có thêm nhiều thông tin liên quan đến vụ UBS, ngân hàng lớn nhất của Thụy Sĩ, thâu tóm Credit Suisse.

Cựu Giám đốc điều hành Goldman Sachs, Lloyd Blankfein nhận định cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ sẽ đẩy nhanh việc thắt chặt tín dụng tổng thể và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Ở châu Âu, các công ty vẫn chủ yếu dựa vào các khoản vay ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và điều này có nghĩa là nền kinh tế thực nhạy cảm với hoạt động ngân hàng.

Bất chấp hỗn loạn trên thị trường tài chính, ECB tuần trước tiếp tục tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất cơ bản ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2008.

ECB cho biết cơ quan này đang theo dõi căng thẳng thị trường và sẽ có phản ứng khi cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính trong khu vực đồng euro này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục