Chiều 2/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến chuyên đề về bảo đảm an toàn giao thông đối với học sinh.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long thông tin, từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (chiếm 8,96% số vụ toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91%), bị thương 827 người (chiếm 11,86%).
So với cùng kỳ năm 2022, toàn quốc tăng 8 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, giảm 33 người chết, giảm 34 người bị thương. Trong tổng số vụ, có 737 vụ tai nạn giao thông do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện.
Bên cạnh đó, trong 10 tháng năm 2023, toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 39,2 tỷ đồng; trong đó có 30.673 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (chiếm 47,59%).
Theo đánh giá của Bộ Công an, tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến và có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện.
Đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.
Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh chưa hiệu quả; một số phụ huynh còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, chưa nêu gương cho con; việc xử lý học sinh vi phạm còn gặp khó do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường.
Đáng chú ý, trong 10 địa phương có tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cao nhất cả nước, có 8 địa phương là các tỉnh, thành phố phía Nam, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Bình Phước, Vĩnh Long, Bình Dương, Long An, An Giang, và Bến Tre.
[Tặng 620.000 mũ bảo hiểm cho học sinh tiểu học năm học 2022-2023]
Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, nhiều địa phương đã có những mô hình rất sáng tạo gắn liền với việc tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm, bảo đảm việc triển khai các mô hình một cách thực chất nhất.
Đơn cử, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), ngoài mô hình Cổng trường An toàn Giao thông, thành phố tổ chức các tổ đi kiểm tra đột xuất nhà để xe của học sinh tại các trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em sử dụng phương tiện không đúng quy định.
Còn tỉnh Gia Lai đã phối hợp với Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á thực hiên dự án "Giảm tốc độ-Trường học an toàn" tại thành phố Pleiku.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung phân tích tìm ra nguyên nhân, giải pháp để hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông nói chung, đối với học sinh nói riêng.
Biểu dương những nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông và chính quyền các cấp trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên cả nước, Phó Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao những mô hình, cách làm hay của Bắc Ninh, Gia Lai và Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ mang lại những kết quả tích cực bước đầu tích cực, mà còn thể hiện rất rõ sự nghiêm túc trong tổ chức thực hiện; đồng thời đề nghị các địa phương nhân rộng các mô hình và chia sẻ với các địa phương khác trên cả nước.
Phó Thủ tướng nêu rõ nhiệm vụ trước mắt còn nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn, trách nhiệm lớn hơn và tuyệt đối không được chủ quan.
Các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét đưa nội dung an toàn giao thông cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.
Cùng với việc ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có những nội dung tuyên truyền mang tính định hướng thuyết phục để dần hình thành nên ý thức, văn hóa cho mọi người khi tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, thông qua các ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện; tập trung trang bị kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông…
Hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và các đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm đến nội dung này để tuyên truyền thực chất, hiệu quả, chung tay góp sức giảm số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, bảo đảm an toàn cho các em./.