Nhiều mặt hàng chủ lực đi xuống, xuất khẩu cả nước tháng 5 giảm tốc

Để hoạt động xuất khẩu phát huy thành quả trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA
Nhiều mặt hàng chủ lực đi xuống, xuất khẩu cả nước tháng 5 giảm tốc ảnh 1Sau 5 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 0,8 tỷ USD. (Ảnh: TTXVN)

Sản xuất và xuất khẩu của một số mặt hàng công nghiệp chế biến có dấu hiệu chững lại trong tháng 5 đã tác động đến xuất khẩu chung của toàn ngành.

Nhiều mặt hàng chủ lực giảm tốc

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong tháng 5 ước tính đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước nhưng tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, tính chung 5 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 152,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 30,7%).

[Xuất siêu hàng nông, lâm, thủy sản trong 4 tháng tăng gấp 3,2 lần]

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng đầu năm 2022 tiếp tục đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của hoạt động xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 131,39 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung.

Tuy nhiên, tính riêng tháng 5, xuất khẩu của nhóm hàng này sụt giảm so với tháng trước (với mức giảm 9,1%), chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ yếu như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 27,5%; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 6% (chủ yếu do sự sụt giảm về sản lượng sản xuất của Tập đoàn Samsung và Tập đoàn Electronic, giảm khoảng 10%).

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như giày dép các loại chỉ tăng 1,5%; dây điện và cáp điện chỉ tăng 2,1%... đã làm giảm kim ngạch xuất khẩu chung của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trong khi đó, xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản lại ghi nhận nhiều điểm tích cực. Theo đó, xuất khẩu nhóm này ước đạt 13,08 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12,8%), chiếm 8,55% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.

Nhiều mặt hàng nông sản “bội thu” cả về lượng và giá, trong đó xuất khẩu thủy sản trong tháng 5 tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 4,75 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 12%).

“Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam,” đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin.

Còn theo bà Nguyễn Thu Hường, Thương vụ Việt Nam tại Australia, thị trường Australia là một trong 15 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam trong khối RCEP.

Ngoài hệ thống cửa hàng siêu thị châu Á, nhiều mặt hàng thuỷ sản của Việt Nam đã được bày bán tại hệ thống siêu thị bán buôn và bán lẻ của Australia và là thị trường đầy tiềm năng của Việt Nam.

Điểm nhấn trong tháng 5 là xuất khẩu gạo đạt 386 triệu USD, tăng 39,9% so với tháng trước và tăng 14% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước giảm 17,2%). Ngoài ra, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 636 triệu USD, tăng 13,3% so với tháng trước và tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 47,7%)....

Trong số các thị trường nhập khẩu từ Việt Nam, đánh giá cho thấy mức tăng trưởng đều rất tích cực.

Đơn cử, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 45,6 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 29,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 22,17 tỷ USD, tăng 9,2%; thị trường EU ước đạt 19,7 tỷ USD, tăng 21,7%; thị trường ASEAN ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 20,1%; Hàn Quốc ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 19%; Nhật Bản ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 12,8%.

Tạo xung lực từ các FTA

Ở chiều ngược lại, do giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu, như: xăng dầu, khí đốt và giá các mặt hàng nguyên vật liệu sản xuất (than, gỗ, phân bón, titan, nhôm…) tăng cao làm tăng tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa chung của cả nước.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 56,4%). Lũy kế 5 tháng, cả nước chi 152,16 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng là nhóm hàng cần nhập khẩu (nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước) với kim ngạch đạt 135,3 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, nhập khẩu các nhóm hàng năng lượng tiếp tục tăng cao, một phần do sản lượng nhập khẩu tăng, một phần do nguồn cung khan hiếm nên giá nhập khẩu tăng. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 109,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than; xăng dầu các loại tăng 123,2%; dầu thô tăng 46,8%; Khí đốt hoá lỏng tăng 65,2%...

Như vậy, tính trong tháng 5, Việt Nam ước nhập siêu khoảng 1,73 tỷ USD. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng, cán cân thương mại của cả nước xuất siêu khoảng 0,8 tỷ USD.

- Cán cân thương mại 5 tháng: 

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Việt Nam có rất nhiều FTA và đến nay, các doanh nghiệp đang tận dụng rất tốt các FTA này cho hoạt động xuất khẩu. Những tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường mới như Mexico, Canada tăng rất mạnh. Kim ngạch xuất khẩu sang EU tăng hơn 22% sau 5 tháng đầu năm và sang ASEAN tăng hơn 20%.

Để hoạt động xuất khẩu phát huy thành quả trong thời gian tới, đại diện Bộ Công Thương cho biết tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Vụ, Cục chức năng theo dõi sát những biến động của tình hình quốc tế, chủ động đánh giá các tác động của các sự kiện đó đến sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam để kịp thời có sự điều chỉnh, ứng phó thích hợp, tăng cường công tác thông tin, hỗ trợ cho các Hiệp hội, doanh nghiệp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục