Theo nhận định của các chuyên gia ngành càphê, quý 3/2017 là khoảng thời gian ảm đạm của ngành càphê, nhưng đến quý 4 sẽ là thời điểm càphê tăng tốc để về đích. Cụ thể, hiện nay lượng càphê tồn kho chỉ còn 10.000 tấn, niên vụ mới lại sắp thu hoạch để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu.
Tăng tốc
Theo Hiệp hội càphê Ca cao Việt Nam, niên vụ càphê 2016-2017 mất mùa lớn, ước tính sản lượng xuất khẩu sẽ giảm từ 20-30% so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt là nguồn cung càphê của Việt Nam cũng đã cạn kiệt, lượng hàng tồn kho trong dân không còn nhiều, buộc khách hàng phải trực tiếp vào sàn giao dịch để lấy hàng, cung cấp cho thị trường nên giá càphê không thể giảm từ nay đến cuối năm 2017.
[Giao dịch càphê tiếp tục trầm lắng do mức giá chưa đạt kỳ vọng]
Trong tuần qua, giá càphê trong nước ở mức 43.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 9/2017, nhưng với mức giá này, nông dân vẫn có lời.
Dự kiến, giá càphê sẽ tăng trong quý 4/2017, vì đây là thời điểm vào vụ thu hoạch mới (2017-2018), cũng là thời điểm các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu càphê tăng cường hợp đồng xuất khẩu ra thị trường thế giới, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng kỳ nghỉ Đông của các nước.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Vina càphê, thì càphê Việt Nam tiêu thụ mạnh tại các thị trường Mỹ, châu Âu và rải rác các thị trường châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, một phần thị trường Nga.
Trong niên vụ 2016-2017, càphê Việt Nam mất mùa. Đồng thời, sản lượng càphê của quốc gia sản xuất càphê lớn như Brazil cũng mất mùa 40%, giảm 300.000 tấn, chỉ còn 700.000 tấn, nên đây là một lợi thế để Việt Nam đẩy giá càphê xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Niên vụ càphê mới 2017-2018 sẽ bắt đầu thu hoạch rải rác vào tháng 10 tới vì lượng tồn kho không còn nhiều, nên các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu càphê sẽ bắt tay thu mua ngay sản lượng càphê thu hoạch đầu vụ.
Cũng chính vì thế nên giá càphê thu mua còn có thể tiếp tục tăng do nhu cầu tiêu dùng đang mạnh mà nguồn cung lại thiếu.
Trên sàn giao dịch ở London(Vương quốc Anh), dự báo đến kỳ giao hàng tháng 11/2017 giá càphê tăng 47 USD/tấn, đạt 2.101 USD/tấn và đến kỳ giao hàng tháng 1/2018 sẽ tăng 33 USD/tấn.
Ước tính, đến cuối tháng 9/2017, xuất khẩu càphê cả nước đạt 1,43 triệu tấn, đạt kim ngạch 2,53 tỷ USD, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội càphê Ca cao Việt Nam cho biết.
Tháo khó khăn cho doanh nghiệp
Mặc dù cho đến thời điểm này, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu càphê Robusta đứng đầu thế giới, nhưng hầu hết là xuất khẩu càphê thô, chưa mang lại giá trị gia tăng cao như mong đợi.
Trong khi đó, các sản phẩm càphê chế biến mang lại giá trị gia tăng cao cho ngành càphê, nhưng tỷ trọng lại rất thấp và chiếm 15% tổng sản lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, để tăng giá trị gia tăng của ngành càphê Việt Nam lên 30% từ càphê chế biến, tránh xuất khẩu càphê thô (nhân xô) như thời gian qua, Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu càphê tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ để chế biến sản phẩm càphê bột, càphê nước.
Thế nhưng, vừa qua Bộ Tài chính đề xuất đưa sản phẩm càphê chế biến vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này gây thêm nhiều khó khăn và trở ngại cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu càphê.
Để làm càphê chế biến, doanh nghiệp phải đầu tư vào hạt càphê ngon, giá cao mới cho ra sản phẩm chất lượng tốt. Không những vậy, còn phát sinh thêm các chi phí phụ như kem, sữa, đường….
Vì thế, nếu đưa càphê chế biến vào diện áp thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp sẽ khó có lời, ảnh hưởng đến lượng thu mua càphê chất lượng cao của nông dân.
Người tiêu dùng cũng phải bỏ thêm nhiều chi phí cho càphê chế biến, theo đó mức tiêu thụ càphê sẽ bị ảnh hưởng và có chiều hướng giảm, ông Trần Văn Tuyển, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Sa (Tp.HCM) cho biết.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội càphê Ca cao Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn Intimex chia sẻ, trong khi các doanh nghiệp đang chú trọng nguồn vốn vào thiết bị công nghệ, đẩy mạnh chế biến càphê để xuất khẩu, thay cho xuất thô như trước đây thì đề xuất đưa sản phẩm càphê chế biến vào diện đánh thuế tiêu thụ đặc biệt làm cho các doanh nghiệp nao núng.
Theo ông Nam, đối với các loại sản phẩm càphê hòa tan đóng gói, càphê sữa đóng gói… đều phải sản xuất theo dây chuyền. Nếu tăng mức thuế lên các loại sản phẩm này, vô tình làm tăng chi phí sản xuất, đội giá thành sản phẩm, sẽ khó cạnh tranh khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Hiện nay cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu càphê đang thảo luận để kiến nghị lên Chính phủ xem xét lại quyết định này để mở đường cho ngành càphê chế biến của Việt Nam vươn ra thị trường thế giới, từ đó có khả năng cạnh tranh với càphê chế biến của Brazil, Mexico…, ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ thêm./.