Nhiều loại hình thiên tai có thể xuất hiện từ ngày 7-17/11

Từ ngày 8/11, khả năng có một áp thấp nhiệt đới hoặc bão đi vào Biển Đông, ảnh hưởng trực đến vùng biển và đất liền các tỉnh, thành phố ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong khoảng 10-11/11.
Nước sông Hiếu dâng cao, gây ngập lụt nhà dân và đường giao thông ở phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Ngày 6/11, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết trong 10 ngày tới (khoảng từ  ngày 7-17/11), ngoài cơn bão Atsani, trên khu vực Biển Đông và đất liền các tỉnh, thành phố ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên có nhiều khả năng sẽ xuất hiện một số loại hình thiên tai.

Cụ thể, khoảng ngày 8/11, khả năng có một áp thấp nhiệt đới hoặc bão đi vào Biển Đông, ảnh hưởng trực đến vùng biển và đất liền các tỉnh, thành phố ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ trong khoảng ngày 10-11/11; khoảng ngày 12-13/11, trên Biển Đông có thể xuất hiện thêm một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hướng vào đất liền nước ta.

[Thừa Thiên-Huế: Cảnh báo các vị trí có nguy cơ trượt lở đất đá, sạt lở]

Từ khoảng ngày 9 đến 12/11, ở các tỉnh, thành phố ven biển Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng, nguy cơ xảy ra lũ trên các sông, lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở các đô thị.

Diễn biến mưa lớn, lũ, lũ quét và sạt lở ở các tỉnh, thành phố khu vực Trung Bộ sẽ còn phức tạp và có thể kéo dài tùy thuộc vào phạm vi hoạt động của áp thấp nhiệt đới hoặc bão.

Ngày 6/11, cơn bão Atsani có cường độ cấp 10, giật cấp 12 sẽ có khả năng đi vào khu vực Đông Bắc Biển Đông.

Sau khi vào Biển Đông, bão Atsani có thể sẽ suy yếu nhanh và tan trên khu vực Bắc Biển Đông, gây gió mạnh và sóng cao, nguy hiểm cho tàu, thuyền hoạt động trên khu vực phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thông tin thường xuyên, dựa trên diễn biến cụ thể của từng loại thiên tai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục