Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi đã đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao khác có liên quan dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15/11 tới.
Tổng Thư ký Lim Jock Hoi cho biết Hội nghị Cấp cao ASEAN là cơ quan ra quyết định cao nhất trong khu vực, do đó sự cân nhắc và quyết định của các nhà lãnh đạo sẽ tạo đường hướng làm việc cho ASEAN cũng như những cam kết của ASEAN với các nước đối tác đối thoại.
Theo ông Lim Jock Hoi, điểm đáng chú ý trong chương trình nghị sự của Hội nghị lần này là sự tán thành của các nhà lãnh đạo đối với Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai. Những văn bản này sẽ đóng vai trò là chiến lược của cả Cộng đồng trong việc đưa khu vực phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng mong đợi các kết quả mang tính xây dựng từ các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm tạo động lực thúc đẩy niềm tin thị trường vốn rất cần thiết trước các áp lực từ đại dịch COVID-19 và những bất ổn chung đối với nền kinh tế khu vực”.
Bên cạnh đó, ông Lim Jock Hoi kỳ vọng rằng các cuộc thảo luận về Thỏa thuận thiết lập hành lang đi lại ASEAN sẽ đạt được kết quả nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại các hoạt động kết nối người dân trong khu vực một cách an toàn.
Tổng Thư ký Lim Jock Hoi cho rằng các biện pháp nói trên là sự ứng phó tập thể của ASEAN hướng tới tình trạng “bình thường mới” trong giai đoạn hậu COVID-19 một cách an toàn và bền vững, trong đó có tính đến những giao thức y tế và đi lại của từng quốc gia thành viên.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, công tác xây dựng Cộng đồng ASEAN sẽ được tiếp tục được thúc đẩy với các Báo cáo đánh giá giữa kỳ về Kế hoạch tổng thể thực hiện Cộng đồng Chính trị-An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa-Xã hội (ASCC), cũng như Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025.
Các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, thông qua các Kế hoạch hành động với Canada, Ấn Độ, New Zealand, Hàn Quốc và Mỹ nhằm đưa các quan hệ đối tác song phương này lên tầm cao hơn.
[Việt Nam đạt kết quả mong muốn với các mục tiêu của Năm Chủ tịch ASEAN]
Tổng Thư ký Lim Jock Hoi đánh giá, dưới sự chủ trì của Việt Nam, công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đang diễn ra thuận lợi. Theo kế hoạch, 29 cuộc họp và hoạt động cấp cao sẽ diễn ra từ ngày 9/11 đến ngày 15/11 tới.
Đáng chú ý, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (APT) lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15, các Hội nghị cấp bộ trưởng giữa ASEAN và các nước đối thoại (PMC). Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 4 cũng sẽ được tổ chức trong dịp này.
Ngoài ra, hai cuộc họp đặc biệt diễn ra nhân dịp này gồm Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN-New Zealand; và Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ ASEAN lần thứ nhất nhằm ghi nhận vai trò và sự đóng góp của phụ nữ cho vấn đề bình đẳng giới của Cộng đồng ASEAN.
Các sự kiện đáng chú ý khác sẽ được khởi động và công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN bao gồm Báo cáo đánh giá giữa kỳ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Khung phục hồi tổng thể ASEAN; và Kho dự phòng vật tư y tế khu vực.
Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi nêu rõ: "Chúng tôi cũng rất vui mừng về tiến độ thành lập Trung tâm ASEAN cho các trường hợp y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi (PHEED) nhằm nâng cao chuyên môn y tế và dịch tễ của khu vực cũng như năng lực ngăn ngừa, quản lý và giảm thiểu các dịch bệnh và đại dịch trong tương lai."
Theo Tổng Thư ký Lim Jock Hoi, đại dịch COVID-19 là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà ASEAN phải đối mặt kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến cả cuộc sống và sinh kế của người dân.
Trong toàn khu vực ASEAN, sự ứng phó của cả cộng đồng đang được huy động. Sự phối hợp giữa các ngành được đẩy mạnh song song với việc tăng cường chia sẻ thông tin. Các chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội dân sự cũng đang hợp tác chặt chẽ để bảo vệ hạnh phúc của người dân.
Mặt khác, đại dịch COVID-19 cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong khu vực. Nhiều hoạt động và sự kiện hiện được tổ chức trực tuyến và ngày càng nhiều người dân ASEAN chấp nhận số hóa. Việc chuyển sang các nền tảng trực tuyến đã thực sự đưa Cộng đồng ASEAN đến gần hơn với đối tượng mục tiêu của mình.
Về phần mình, Ban Thư ký ASEAN đã kích hoạt các kênh và nền tảng trực tuyến để đảm bảo liên lạc thông suốt với các quốc gia thành viên ASEAN, các đối tác bên ngoài và các bên liên quan. Điều này đã giúp khu vực duy trì kết nối và phối hợp trong suốt cuộc khủng hoảng đại dịch và đảm bảo các ứng phó kịp thời./.