Nhiều khu di sản tại Trung Quốc đang bị xâm hại

Kết quả điều tra cổ vật văn hóa quốc gia, tính đến cuối 2009, Trung Quốc có hơn 30.000 khu di sản “biến mất” do tình trạng xây dựng.
Kết quả điều tra cổ vật văn hóa quốc gia lần thứ 3 ở Trung Quốc cho thấy tính đến cuối năm 2009, trên 30.000 khu di sản đã “biến mất” do tình trạng xây dựng phát triển với tốc độ chóng mặt trên phạm vi toàn quốc.

Ngôi đền Sakya trên 900 năm tuổi ở huyện Tứ, tỉnh An Huy, được đưa vào danh sách di sản văn hóa năm 1981, đã bị phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng.

Năm 2007, cơ quan quản lý đất đai và tài nguyên huyện đã bán mảnh đất rộng 1,7ha của ngôi đền với giá 11,5 triệu tệ (1,7 triệu USD) sau khi chính quyền địa phương quyết định sử dụng mảnh đất nơi ngôi đền đứng chân cho các công trình xây dựng.

Nhà thầu đã triển khai dự án xây dựng mặc dù nhận được thông báo khu vực thi công thuộc phạm vi cần được bảo vệ.

Đầu tháng 7 năm nay, 13 kho cất giữ lương thực cổ được xây dựng từ thời nhà Nguyên (1271-1368), được đánh giá là 1 trong 10 phát hiện khảo cố quan trọng nhất ở Trung Quốc trong năm 2009 ở thành phố Trấn Giang tỉnh Giang Tô, đã bị các nhà thầu phá bỏ dọn mặt bằng xây dựng.

Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc cho rằng công việc bảo tồn di sản hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều địa phương tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên phát triển kinh tế, chưa chú trọng công tác bảo tồn.

Một số chuyên gia khảo cố cho rằng Trung Quốc cần lập nguồn quỹ dành cho công tác khảo cổ, trong đó bao gồm cả mức phí đền bù áp đặt đối với các nhà thầu xây dựng./.

Vĩnh Hà/Bắc Kinh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục