Nhiều không gian để cải thiện thể chế nền kinh tế số Việt Nam

Theo các chuyên gia luật, còn nhiều không gian để cải thiện chất lượng thể chế để giúp cho nền kinh tế số tại Việt Nam phát triển.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực luật pháp cho rằng, khung thể chế còn chậm trong việc ứng xử với cách mạng 4.0. (Ảnh: M.C/Vietnam+)

Tại Tọa đàm khoa học Khung thể chế cho nền kinh tế số được Trung tâm tư vấn pháp luật, thuộc Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 27/3, các chuyên gia cho rằng còn nhiều không gian để cải thiện chất lượng thể chế cho nền kinh tế số tại Việt Nam.

Thực tế, những ứng dụng của kinh tế số đang thâm nhập ngày càng sâu vào đời sống xã hội. Bên cạnh thuận lợi, sự xuất hiện của các dịch vụ trên nền tảng số đang gây nhiều tranh cãi, thách thức không cho các nhà hoạch định chính sách, giới học thuật.

[‘Quốc gia số’: Giúp người dân tăng cường tiếp cận cách mạng 4.0]

Các chuyên gia cho rằng, dù sự ra đời của các sản phẩm, dịch vụ số là xu thế khách quan không thể đảo ngược, nhưng sự phát triển của chúng phụ thuộc vào mức độ đổi mới tư duy của nhà nước.

Bên cạnh đó, một yếu tố đầu vào quan trọng với các quy trình phát triển là khung thể chế. Những hoạt động đổi mới sáng tạo cần được can thiệp theo hướng tích cực hơn, trong nhiều trường hợp để nó vận động theo quy luật thay vì ép vào khung thể chế truyền thống đã trở nên chật hẹp cho sự phát triển.

Trong Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII 2017) của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, điểm chỉ số trong khung thể chế của Việt Nam chỉ đạt 52,8/100, trong đó có điểm “chất lượng quy phạm rất thấp, chỉ đạt 29,4/100. Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai của Diễn đàn kinh tế thế giới thì cho thấy Việt Nam đứng vào nhóm yếu với điểm bình quân 4,9/10 (điểm của khung thể chế đạt 5/10, xếp hạng 53/100 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát).

Theo các chuyên gia, các con số này cho thấy, Việt Nam cần cải thiện chất lượng thể chế cho nền kinh tế số. Những động thái của Nhà nước trong việc thúc đẩy cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, các văn bản của Đảng, Chính phủ thể hiện thái độ ủng hộ và khuyến khích ứng dụng số. Bởi vậy, việc nghiên cứu khung thể chế phù hợp là hết sức cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục