Nhiều vướng mắc trong triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ để triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia

Sau thời gian thí điểm, Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến 2020 cho thấy nhiều điểm tích cực nhưng cũng đòi hỏi ngành giáo dục phải tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Bích Ngọc/TTXVN)

Mục tiêu của Đề án Ngoại ngữ quốc gia là đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa; biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người dân Việt Nam, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để mục tiêu đó được hiện thức, ngành giáo dục cần phải tháo gỡ nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện đề án.

Nên học cuốn chiếu

Theo ý kiến của nhiều giáo viên ở các trường trung học cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thí điểm, kiến thức được dạy trong Đề án nặng về ngữ pháp và từ vựng trong khi học sinh tham gia thí điểm lại chưa được học ở bậc tiểu học khiến nhiều em gặp khó khăn.

Các giáo viên không phủ nhận những mặt tích cực của việc dạy và học tiếng Anh theo Đề án như tiếp cận chương trình quốc tế, có chủ điểm rõ ràng, bám sát cuộc sống, phát huy cả bốn kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, xóa bỏ hạn chế của chương trình cũ lạc hậu được viết cách đây hơn chục năm.

Tuy nhiên, nếu học sinh được học từ tiểu học, có một nền tảng nhất định rồi thì vào trung học cơ sở sẽ học dễ dàng hơn.

Thầy Võ Văn Hoàn Toàn, giáo viên Trường trung học cơ sở Minh Đức (quận 1), trường tham gia thí điểm và được đánh giá cao về kết quả, cho rằng để học được chương trình này, các em phải có một nền tảng nhất định ngay từ bậc tiểu học mới có khả năng học tốt.

Theo giáo viên ở trường trung học cơ sở được chọn thí điểm theo Đề án, từ năm học 2011-2012, việc học tiếng Anh theo Đề án được tiến hành song song giữa các cấp học. Điều này gây nhiều khó khăn cho học sinh trung học cơ sở vì ở bậc tiểu học các em chưa được học.

Dạy thí điểm nhưng lại tính điểm thật nên gây thiệt thòi cho các em đang học theo Đề án so với các em không học theo Đề án vì ở các khối học chỉ chọn ra hai lớp để dạy tiếng Anh theo Đề án, các lớp còn lại vẫn học tiếng Anh tăng cường hoặc tiếng Anh hệ 7 năm.

Do vậy, việc thí điểm nên thực hiện theo kiểu cuốn chiếu, dạy phổ biến đại trà ở tiểu học trước để các em có nền tảng sau đó dạy tiếp ở trung học cơ sở, khi có học sinh học tiếng Anh theo Đề án ở trung học cơ sở sẽ tiến hành dạy đại trà cho trung học phổ thông. Có như vậy, học sinh ở trung học cơ sở và trung học phổ thông không bị bỡ ngỡ với chương trình học tiếng Anh theo Đề án và kiến thức các em sẽ không bị đứt đoạn.


Thống nhất sách giáo khoa giảng dạy

Dạy và học tiếng Anh theo Đề án còn nhằm tạo ra mặt bằng chung về trình độ ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên khắp cả nước dù ở nông thôn hay thành thị. Vì vậy, sách giáo khoa dùng trong dạy học phải được biên soạn kỹ, các trường học phải thống nhất một giáo trình giảng dạy.

Tuy nhiên, cho đến nay việc biên soạn giáo trình giảng dạy dành cho các cấp học vẫn chưa được hoàn thiện.

Cô Nguyễn Hoàng Diễm Trang, Trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, cho biết hiện tại ở bậc tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đưa ra một giáo trình chung để giáo viên giảng dạy nên các trường phải tự đầu tư giáo trình, tùy vào điều kiện của mỗi trường mà việc sử dụng sách giáo khoa giảng dạy có khác nhau.

Những trường có điều kiện sẽ đầu tư mua những giáo trình đắt hơn như "Family and Friend" hay "Let’s Learn English," những trường điều kiện vật chất thấp hơn sẽ sử dụng những sách rẻ hơn như Tiếng Anh 3-4.

Rêng trường Nguyễn Văn Trỗi, vào đầu mỗi năm học đều liên hệ với nhà xuất bản sách "Family anh Friend" để được hỗ trợ giáo trình và tranh ảnh phục vụ việc giảng dạy.

Ở trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra giáo trình chung dùng cho các trường, vào đầu năm học giáo trình được chuyển từ Bộ đến các trường dạy thí điểm.

Thế nhưng, theo nhiều giáo viên, giáo trình được chuyển từ Bộ đến các trường có năm bị trễ vài tuần. Chẳng hạn, năm học trước, giữa tháng Tám học sinh đã phải học tiếng Anh theo Đề án nhưng đến đầu tháng Chín, Bộ mới gửi sách vào. Có giáo trình nhưng lại thiếu đĩa để học kỹ năng nghe-nói nên trường lại tốn kinh phí in đĩa cho học sinh.

Ngoài ra, sách giáo khoa do Bộ liên kết với nhà xuất bản nước ngoài biên soạn có nội dung chương trình phù hợp với chủ đề xoay quanh cuộc sống nhưng vẫn còn nhiều chủ đề mang tính hàn lâm, chưa phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ không cung cấp sách tham khảo dành cho giáo viên, trong khi đó chương trình dạy tiếng Anh theo Đề án là chương trình mới nên tài liệu phục vụ cho việc soạn giáo án liên quan đến bài học không nhiều. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giảng dạy của giáo viên.

Thầy Đỗ Minh Phương, Trường trung học cơ sở Minh Đức, quận 1, chia sẻ hầu hết các giáo viên phải tự mày mò nghiên cứu để soạn giáo án, hơn nữa do không có nguồn bài tập nên giáo viên phải tự tìm kiếm, sưu tầm, biên soạn cho học sinh làm.

Giáo viên thường phải tự học, tự lên chuyên đề để học hỏi lẫn nhau. Do vậy, trong quá trình tập huấn, giáo viên cần được xem các giờ dạy thực tế ở các nơi để học hỏi kinh nghiệm giảng dạy.

Mặt khác, theo quy định của Đề án, giáo viên các cấp tham gia giảng dạy khi đạt trình độ năng lực ngoại ngữ nhất định theo khung tham chiếu chung châu Âu sẽ được hưởng chế độ phụ cấp như giáo viên trường chuyên, tương đương với 70% lương tháng song đến nay các giáo viên vẫn chưa nhận được khoản tiền hỗ trợ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục