Cuộc chiến cứu đại dương khỏi rác thải nhựa có thể đồng nghĩa các khách sạn sẽ chấm dứt cung cấp cho khách thuê phòng những bộ vật dụng mini trong phòng tắm như các lọ nhựa đựng dầu gội đầu và sữa tắm tiện dụng và khách thường thích lấy đi khi trả phòng.
Thương hiệu khách sạn danh tiếng thế giới Holiday Inn (liên doanh giữa Mỹ và Anh) - một công ty con của tập đoàn khách sạn InterContinental - ngày 31/7 cho biết gần 843.000 phòng thuộc hệ thống khách sạn này đang chuyển sang cung cấp các bộ vật dụng cỡ lớn trong phòng tắm nhằm giảm rác thải nhựa.
Việc chuyển đổi nói trên dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2021. Trung bình mỗi năm các khách sạn thuộc hệ thống InterContinental phục vụ khách 200 triệu vật dụng mini sử dụng trong phòng tắm.
[Doanh nghiệp nói không với túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần]
Ông Keith Barr, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn khách sạn InterContinental cho biết: "Việc chuyển sang các vật dụng tiện ích cỡ lớn tại hơn 5.600 khách sạn trên khắp thế giới là một bước đi lớn đúng đắn, theo đó sẽ giảm đáng kể lượng rác thải và qua đó giảm tác động đối với môi trường."
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sản lượng nhựa trên toàn cầu đã tăng lên 380 triệu tấn vào năm 2015, so với mức 2 triệu tấn vào năm 1950. Khoảng 60% trong số 8,3 tỷ tấn nhựa được sản xuất trong suốt lịch sử nhân loại đã trở thành rác thải, hơn 3/4 trong số đó được chuyển tới các bãi chôn lấp hoặc vẫn đang tồn tại đâu đó trong môi trường.
Chỉ riêng trong năm 2010, khoảng 4 triệu đến 12 triệu tấn nhựa đã xâm nhập môi trường biển. Quyết định trên được Holiday Inn đưa ra trong bối cảnh các phương tiện truyền thông đại chúng hằng ngày công bố những hình ảnh ô nhiễm môi trường biển nhằm "đánh thức" ý thức bảo vệ môi trường của người dân.
Đáng chú ý là những hình ảnh trên kênh Sky News của Anh, trong đó các khám nghiệm xác cá voi chết cho thấy chúng đã nuốt đầy túi nylon. Bộ phim tài liệu "Blue Planet II" (Hành tinh xanh II) do nhà tự nhiên học David Attenborough thực hiện cũng chỉ ra những bức ảnh đau lòng về môi trường sống "bọc nhựa" của những con rùa biển.
Theo Quỹ Ellen MacArthur - một tổ chức chuyên về tư duy đổi mới, hiện tại nhiều thương hiệu lớn đa lĩnh vực như Amcor, L'Oreal, Mars, PepsiCo, Coca-Cola, Unilever, Walmart và Werner & Mertz cũng đã cam kết chuyển đổi từ vỏ nhựa sử dụng một lần sang dạng bao bì đóng gói có thể tái sử dụng vào năm 2025./.