Sáng 7/9, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì Hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã 2012 và cho ý kiến vào dự thảo báo cáo sơ kết.
Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gồm 24 thành viên, do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm Trưởng ban.
Hoạt động của hợp tác xã đã đi vào thực chất
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, sau khi ban hành Luật Hợp tác xã 2012, toàn quốc có hơn 19.500 hợp tác xã, tăng gần 600 hợp tác xã, thu hút trên 6,2 triệu thành viên tham gia (giảm gần 1,4 triệu thành viên), tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng và hơn một nửa là các hợp tác xã nông nghiệp. Trong giai đoạn 2013- 2016, cả nước đã thành lập mới 5.641 hợp tác xã.
Tuy số lượng hợp tác xã không tăng nhiều và có xu hướng chững lại trong năm 2015, 2016, nhưng hoạt động đã đi vào thực chất, số hợp tác xã thành lập mới hoạt động tương đối đúng luật và hiệu quả.
Doanh thu bình quân của một hợp tác xã năm 2016 đạt 3 tỷ đồng, tăng gần 500 triệu đồng so với thời điểm năm 2012, có hợp tác xã ở Đông Nam Bộ doanh thu hơn 9 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng 10 triệu đồng, lên mức 31 triệu đồng/người/năm.
Hàng trăm mô hình hợp tác xã ra đời và phát triển trong 5 năm qua, mang lại hiệu quả cao cho các thành viên như hợp tác xã Evergrowth ở Sóc Trăng, hợp tác xã Quý Hiền ở Lào Cai và hợp tác xã Ỷ La ở Tuyên Quang.
Tại hội nghị, các đại biểu đều chung quan điểm nơi nào chính quyền địa phương quan tâm thì nơi đó hợp tác xã phát triển tốt.
Theo Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Võ Kim Cự, có không ít huyện không có hợp tác xã nào, kể cả huyện đồng bằng. Điều đó chứng tỏ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương rất ít quan tâm.
Ông Võ Kim Cự cho rằng nhiều hợp tác xã vẫn trong tình trạng “bình mới, rượu cũ," bê nguyên mô hình hợp tác xã cũ và thành viên không góp vốn. Sự phát triển của hợp tác chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của các địa phương cũng như của từng ngành, tăng về chất cũng ít và lượng chưa cao.
Quản lý nhà nước đối với hợp tác xã đang phân tán, chưa thống nhất tập trung quản lý từ trung ương đến địa phương; cơ chế chính sách vừa chậm, vừa yếu, vừa thiếu đồng bộ.
Ông Cự chỉ ra 4 nút thắt đối với sự phát triển hợp tác xã là đất đai, tiếp cận nguồn vốn tín dụng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là thị trường.
Theo ông, cần nghiên cứu đầy đủ thông tin, căn cứ thực tiễn để đánh giá chính xác cả mặt được, chưa được sau 5 năm thực hiện Luật Hợp tác xã.
“Cần thiết có hợp tác xã. Ngoài việc phát triển kinh tế, hợp tác xã còn tham gia an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp. Nhưng phát triển hợp tác xã không đơn giản, đây là một loại hình kinh tế xã hội đặc thù, mang nặng tính xã hội nhiều hơn. Thực tế vừa qua, tỉnh nào cấp ủy quan tâm thì hợp tác xã lên được," ông Cự nói.
Trên cơ sở đó, ông đề nghị Chính phủ sớm tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, tăng nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về vấn đề này. Chính phủ nghiên cứu một cách căn cơ hơn nữa để đề nghị Quốc hội điều chỉnh, bổ sung một số điều của Luật Hợp tác xã 2012 trong thời gian thích hợp, như các Điều 5 (Bảo đảm của Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã); Điều 13 (Điều kiện trở thành thành viên, hợp tác xã thành viên); Điều 17 (Góp vốn điều lệ và giấy chứng nhận vốn góp)...
Trước mắt, khi chưa điều chỉnh Luật và tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, cần cụ thể hóa Điều 6 của Luật về cơ chế chính sách cho hợp tác xã, ban hành hoàn thiện cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý bình đẳng giữa các thành phần kinh tế với hợp tác xã. Nên chăng có một vài cơ chế chính sách riêng cho hợp tác xã, nhất là cơ chế chính sách về đất đai, vốn, hỗ trợ các dự án chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất, giải quyết vấn đề thị trường.
Đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi quy định, tăng mức góp vốn của các thành viên tham gia trong hợp tác xã, không nên quy định đồng đều cho các lĩnh vực và không được quá 20% điều lệ của hợp tác xã như hiện nay. Hiện có khoảng 15% hợp tác xã xây dựng chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, có xu hướng phát triển tốt hơn.
Sửa cơ chế, tạo lực đẩy cho hợp tác xã
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng tiềm năng phát triển hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực giao thông, xây dựng còn nhiều. Hiện lĩnh vực giao thông, xây dựng có xu hướng chuyển từ hợp tác xã sang doanh nghiệp nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp đang xuất hiện nhu cầu thành lập doanh nghiệp trong hợp tác xã.
Trong bối cảnh tái cơ cấu lại nền kinh tế với việc Trung ương có các nghị quyết về đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng... thì đổi mới, phát triển hợp tác xã cũng phải được đặc biệt coi trọng vì gắn liền với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Khẳng định “cơ bản Luật Hợp tác xã vẫn còn nguyên giá trị, chưa phải thay đổi ngay," Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục theo dõi, hướng dẫn đầy đủ hơn một số vấn đề liên quan như tỷ lệ vốn góp, thủ tục giải thể bắt buộc, giải quyết thanh lý các tài sản không chia.
Phó Thủ tướng cho biết Nghị định sửa đổi Nghị định 193 đã trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó có điều chỉnh về tỷ lệ cung ứng dịch vụ ra bên ngoài, trước chỉ 30% nhưng nay đã nâng lên là không quá 50%.
Thừa nhận vấn đề tiếp cận đất đai và tín dụng đối với hợp tác xã là khó, Phó Thủ tướng dẫn chứng hợp tác xã Mường Động (Hòa Bình) có chiến lược phát triển rất rõ ràng, hoạt động có hiệu quả nhưng vẫn không có tấc đất cắm dùi, tín chấp khó khăn.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra bất cập khi tài sản hình thành từ các dự án không thể tín chấp để vay vốn: “Cả nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt đầu tư hàng tỷ đồng mà không được thế chấp để vay vốn thì quá vô lý, câu chữ là do chúng ta."
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đi sâu vào thực tiễn, bám sát cơ sở, sửa đổi các văn bản rường cột tạo lực đẩy cho hợp tác xã như Nghị định 55 (chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn), Nghị định 210 (chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp), xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính, các địa phương tập trung bố trí vốn vào Quỹ phát triển Hợp tác xã để củng cố nguồn lực hỗ trợ lực lượng này trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá kỹ hơn trong báo cáo về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền về vai trò của kinh tế tập thể. Qua thực tiễn, Phó Thủ tướng nhận thấy chính quyền các cấp nhiều nơi vẫn còn nắm “lơ mơ” về hợp tác xã kiểu mới và còn băn khoăn khi chưa biết truyền thông thế nào về hợp tác xã kiểu mới.
Theo Phó Thủ tướng, hợp tác xã kiểu mới không đơn giản là sự thay đổi “từ chức danh ông Chủ nhiệm hợp tác xã thành Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hợp tác xã mà là sự thay đổi từ bản chất, khẳng định kinh tế hộ gia đình không bị “thui chột, mất động lực” khi tham gia vào hợp tác xã mà hợp tác xã kiểu mới còn làm gia tăng giá trị kinh tế của hộ gia đình”./.