Nhiều học sinh điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, không có bằng lái

Nhiều học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi và không có bằng lái

Nhiều vụ tai nạn giao thông do học sinh gây ra chủ yếu là vi phạm quy tắc giao thông như điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe, đi xe sai phần đường, làn đường…
Nhiều học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi và không có bằng lái ảnh 1Cảnh sát giao thông sẽ xử lý những học sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+)

Lực lượng chức năng các địa phương cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh và Hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe môtô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi.

Đây là nội dung trong Công văn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 6/5 về việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Theo Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia-Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, hiện nay trên cả nước, tình trạng học sinh phổ thông, nhất là cấp Trung học phổ thông, Trung học cơ sở vi phạm quy định trật tự an toàn giao thông rất phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông; tập trung vào một số hành vi vi phạm như điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 2 hàng 3, chở quá số người quy định...

Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông tương tự, bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh đến trường, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia trọng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con em tự giác chấp hành quy tắc giao thông, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy, không chở quá số người quy định; không điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe.

“Đặc biệt, Hiệu trưởng các trường kiên quyết xử lý kỷ luật đối với học sinh, sinh viên điều khiển xe môtô, xe gắn máy không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi,” ông Thể nhấn mạnh.

[Tạm giữ 15 đối tượng dưới 18 tuổi tụ tập đua xe trái phép]

Bên cạnh đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đưa nội dung giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông là một trong những tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với các cơ sở giáo dục.

Người đứng đầu cơ sở giáo dục có tổ chức kiểm tra việc thực hiện cam kết giữa gia đình và nhà trường trong công tác giáo dục và bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh; gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân vi phạm.

Các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, nhất là các hành vi vi phạm nguy hiểm như điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, đi hàng 2 hàng 3, chở quá số người quy định; xem xét trách nhiệm người đứng đầu chính quyền cơ sở, đơn vị chức năng trực tiếp phụ trách địa bàn trong việc để xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Ngày 5/5/2020, vào khoảng 17 giờ tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (đoạn qua thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng do 4 nữ sinh chở nhau trên một xe máy đâm vào cột mốc bên phải đường.

Hậu quả của vụ tai nạn làm 2 nữ sinh tử vong tại chỗ và 2 nữ sinh còn lại bị thương nặng, được đưa tới Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các nạn nhân tử vong, bị thương đều là học sinh lớp 8 của một trường Trung học cơ sở trên địa bàn.

Nguyên nhân trực tiếp của vụ tai nạn do học sinh điều khiển xe máy vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và việc thiếu trách nhiệm của gia đình trong việc quản lý con em khi đi học, giao xe cho con đi khi chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy đồng thời có phần trách nhiệm của nhà trường, ngành giáo dục, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh mà không kịp thời ngăn chặn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục