Nhiều học giả tham dự Hội thảo kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ Việt Nam-Nga

Các học giả trình bày kết quả nghiên cứu về những sự kiện lịch sử quan trọng tác động đến hai nước, cũng như thảo luận về động lực quan hệ Nga-Việt hiện nay và triển vọng quan hệ trong tương lai.

Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)
Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Một trong những sự kiện khởi động ngày 3/9 - ngày khai mạc Diễn đàn Kinh tế Phương Đông lần thứ 9 (EEF 2024) tại Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) trên đảo Russkyi ở thành phố Vladivostok, là phiên toàn thể Hội thảo khoa học và thực tiễn quốc tế Việt-Nga hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Sự kiện kéo dài gần như cả ngày 3/9, thu hút nhiều học giả Việt Nam cũng như các nhà Việt Nam học đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu danh tiếng của Liên bang Nga.

Mở đầu hội thảo, các đại biểu đã nghe lời chào mừng sự kiện qua video của Chủ tịch Hiệp hội Lịch sử Liên bang Nga Sergey Naryshkin và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky.

Trong phát biểu mở đầu, người điều hành Yury Kulchin, Chủ tịch Chi nhánh Viễn Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, khẳng định Việt Nam luôn có vị trí quan trọng và Liên bang Nga muốn phát triển quan hệ bền vững với Việt Nam.

Hội thảo tập trung phân tích các khía cạnh về lịch sử, chính trị và an ninh. Các học giả trình bày kết quả nghiên cứu về những sự kiện lịch sử quan trọng tác động đến hai nước, cũng như thảo luận về động lực quan hệ Nga-Việt hiện nay và triển vọng quan hệ trong tương lai. Hầu hết các bài phát biểu đều nêu bật mối quan hệ gắn bó của Liên bang Nga với Việt Nam, khởi nguồn từ thời Liên Xô trước đây, đồng thời bày tỏ mong muốn củng cố và thúc đẩy mối quan hệ thân thiện này.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, ông Dmitry Mosyakov - Giáo sư, Tiến sỹ khoa học lịch sử; Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, Australia và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, dự báo mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới sau chuyến thăm của Tổng thống Vladimir Putin đến Việt Nam và việc đồng chí Tô Lâm được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, dựa trên nền tảng mối quan hệ thân thiết và sự tin tưởng giữa hai nước.

Theo ông Mosyakov, hai nước có quan điểm chung trong nhiều vấn đề và quan hệ quốc tế, đồng thời có nhiều dự án thú vị như dự án của công ty Novatek về khí đốt hóa lỏng, việc xây dựng trung tâm đào tạo hạt nhân, hay dự án khác của các doanh nghiệp tư nhân...

ttxvn-viet_nam-lb_nga.jpg
Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trình bày tham luận. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga là mối quan hệ hết sức bền chặt,. Sau 75 năm hợp tác, đây là mối quan hệ thực sự mang tính bè bạn và đồng chí. Diễn đàn lần này là cơ hội tốt để các nhà khoa học hai nước đưa ra những đánh giá về hợp tác trong giai đoạn vừa qua và đưa ra những ý tưởng hợp tác mới cho tương lai.

Tại hội thảo, ông Vitaly Naumkin - Giám đốc khoa học của Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga, đã giới thiệu tuyển tập “Liên Xô và Việt Nam trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai 1959-1975” do Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga biên soạn.

ttxvn-viet_nam-lb_nga3.jpg
Lễ ký MOU giữa Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), Liên bang Nga. (Ảnh: Duy Trinh/TTXVN)

Bên lề EEF 2024 đã diễn ra cuộc trao đổi giữa Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, với Hiệu Phó chuyên trách quan hệ quốc tế Evgeny Vlasov và các cán bộ Đại học tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU) về các ý tưởng và đường hướng hợp tác song phương. Nhân dịp này, hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục