Nhiều hoạt động hấp dẫn khách du lịch tại Lễ hội mùa Thu Sa Pa 2024

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu có Lễ hội Mùa Vàng Bản Mây diễn ra từ 17/8-1/9 tái hiện lại cuộc sống sung túc của bà con các dân tộc tại Lào Cai khi cuộc sống mưa thuận gió hòa; mùa màng bội thu.

Tái hiện lễ cưới của các dân tộc ở thị xã Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)
Tái hiện lễ cưới của các dân tộc ở thị xã Sa Pa. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn sẽ diễn ra từ trung tuần tháng 8 đến cuối tháng 9, tập trung cao điểm vào dịp nghỉ lễ Ngày Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9.

Ông Đỗ Văn Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa (Lào Cai), nhấn mạnh đây là lễ hội thường niên được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên qua đó xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của Sa Pa; giới thiệu, quảng bá các giá trị tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch đặc sắc của Sa Pa.

Lễ hội cũng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự liên kết phát triển du lịch giữa Sa Pa và các tỉnh, các khu vực và địa phương khác trong cả nước và các quốc gia trên thế giới nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Sa Pa (Lào Cai) nói riêng.

Lễ hội mùa Thu Sa Pa năm 2024 sẽ được khai mạc vào 20h ngày 30/8 tại sân Quần, thị xã Sa Pa. Cũng trong buổi lễ này, thác Bạc, đỉnh Fansipan sẽ đón nhận Bằng di tích danh thắng cấp tỉnh.

Ngày hội Văn hóa bản Mông Kỳ tổ chức trong kỳ nghỉ lễ 2/9 tại điểm du lịch Cát Cát, xã Hoàng Liên. Tại ngày hội diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Mông; các trò chơi dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống dân tộc Mông; rèn đúc nông cụ, chạm khắc bạc, se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ hoa văn sáp ong trên vải lanh, nghề đan thồ, bện hài, gian hàng ẩm thực xôi 5 màu; trình diễn quá trình làm cốm, thưởng thức các món ăn từ cốm và tham gia các trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số Sa Pa.

Chương trình biểu diễn Xiếc nghệ thuật “Mường Hoa cổ tích” diễn ra từ ngày 31/8-2/9 tại Làng ẩm thực Quốc tế-dự án Công viên Mường Hoa, tổ 2, phường Cầu Mây, thị xã Sa Pa.

Lễ hội Mùa Vàng Bản Mây từ 17/8-1/9 tại Bản Mây (Ga đi cáp treo Fansipan) do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch Cáp treo Fansipan Sa Pa tổ chức sẽ tái hiện lại cuộc sống sung túc của bà con các dân tộc tại Lào Cai khi cuộc sống mưa thuận gió hòa; mùa màng bội thu; thóc đầy kho, lúa đầy bồ đem lại một Bản Mây yên bình, trù phú và đầy sung túc. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như Khai mạc chung và Lễ hội Khô Già Già dân tộc Hà Nhì, Lễ hội Then Kin Pang dân tộc Thái, Lễ hội cơm mới Bản Mây các dân tộc Tây Bắc.

ttxvn-sa pa1.jpg
Trình diễn giới thiệu trang phục của các dân tộc tại Bản Mây. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Đêm hội Trăng rằm năm 2024 tổ chức ngày 14/9 (tức 12/8 âm lịch) tại sân Quần thị xã Sa Pa với các chương trình văn nghệ chào mừng, thi đèn ông sao, trưng bày mâm cỗ, rước đèn trung thu qua các tuyến phố.

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Thu Sa Pa còn tổ chức 3 giải thể thao gồm Giải Marathon vượt núi Việt Nam 2024 diễn ra từ ngày 20-22/9, dự kiến 4.000 vận động viên đến từ hơn 50 quốc gia tham gia thi chạy vượt núi với các cung đường, cự ly 10km, 21km, 50km, 70km, 100km và 160km.

Giải Tennis “Sa Pa mùa vàng” diễn ra trong hai ngày 31/8-1/9 tại sân Tennis Sa Pa với khoảng trên 100 vận động viên Tennis các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Giải bóng đá nam-Hiệp hội Du lịch Lào Cai năm 2024 dự kiến từ 24/9-6/10 tại Sân Sinavi và Sân Sungroup.

ttxvn-mu cang chai2.jpg
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy phát triển du lịch giữa Sa Pa với các địa phương trong, ngoài tỉnh, Lào Cai triển khai Chương trình hợp tác Sa Pa-Mù Cang Chải (Yên Bái) năm 2024.

Trong quý 3, Lào Cai và Yên Bái sẽ phối hợp tổ chức Diễn đàn liên kết, hợp tác phát triển du lịch lần thứ nhất với chủ đề “Cung đường kết nối di sản ruộng bậc thang;" trưng bày, triển lãm ảnh Kết nối Di sản văn hóa ruộng bậc thang với chủ đề “Cung đường di sản."

Hai tỉnh cũng phối hợp xúc tiến thương mại và thương mại điện tử, tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, hàng hóa nông sản, sản phẩm thủ công tại các chương trình lễ hội của hai địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục