Nhiều hoạt động đậm nét truyền thống trong Ngày hội văn hóa Mông

Ngày hội văn hóa Mông lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày 28/2 và 1/3, bao gồm các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như lễ cúng 30 Tết, lễ ăn hỏi.

Tối 28/2, tức mùng 10 Tết Ất Mùi, lễ khai mạc Ngày hội văn hóa Mông lần thứ nhất và đón nhận bằng xếp hạng các di tích cấp Quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận, đã diễn ra tại trung tâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.

Việc tổ chức Ngày hội văn hóa Mông nhằm duy trì và phát triển nét văn hóa truyền thống đã có từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Mông, tạo sân chơi lành mạnh, khích lệ, động viên nhân dân tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế; giữ vững an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.

Ngày hội văn hóa Mông lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày 28/2 và 1/3, bao gồm các hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông như lễ cúng 30 Tết, lễ ăn hỏi, lễ đặt tên người đàn ông dân tộc Mông trưởng thành, thi đánh sảng, thi xếp hàng rào đá, trình diễn kỹ thuật đan quẩy tấu, chơi tung còn, múa khèn, giới thiệu ý nghĩa của cây lanh trong đời sống sinh hoạt và tâm linh của dân tộc Mông.

Nhiều hoạt động đậm nét truyền thống trong Ngày hội văn hóa Mông ảnh 1Múa khèn trong lễ hội gàu Tào. (Nguồn:Thanh Hà/TTXVN)
Nhiều hoạt động đậm nét truyền thống trong Ngày hội văn hóa Mông ảnh 2Trình diễn nghề dệt vải của Mông. (Nguồn: Thanh Hà/TTXVN)

Nhân dịp này, đồng bào Mông cũng tổ chức lễ hội gầu Tào, giao lưu ẩm thực và giới thiệu cho du khách tham gia trải nghiệm quy trình làm mèn mén...

Đặc biệt, Chương trình chung kết người đẹp dân tộc Mông với trang phục truyền thống là tâm điểm của ngày hội, thu hút đông đảo đội ngũ thanh niên tham gia và cổ vũ.

Cũng trong dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mèo Vạc đã đón nhận bằng xếp hạng các di tích cấp Quốc gia được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận bao gồm Hang Rồng ở xã Tả Lủng và Pả Vi, Hóa thạch Huệ biển xã Lũng Pù và di sản văn hóa phi vật thể lễ hội năm mới của người Giấy xã Tát Ngà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục