Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 đã khai mạc tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của 1.500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 16 tỉnh, thành trong cả nước.
Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị tổ chức.
Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam-Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển vì một thế giới hòa bình," Ngày hội đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi.
Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 có sự tham gia của 1.500 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ 16 tỉnh, thành trong cả nước, gồm: Lạng Sơn, Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Quảng Trị.
Diễn ra trong 4 ngày (13-16/12), Ngày hội có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch và thể thao đặc sắc. Từ Tây Nguyên đại ngàn mang huyền bí sử thi và miền núi Tây Bắc thân yêu, cho đến các đồng bào sống ở dãy Trường Sơn nắng gió, đoàn văn hóa nghệ thuật quần chúng các tỉnh đã mang đến hội diễn những khúc ca mang âm hưởng núi rừng đại ngàn và những trang phục truyền thống độc đáo, lạ mắt. Tất cả những vốn quý đặc sắc nhất từ các bản làng trên mọi miền đất nước được ngân vang và tỏa sáng nơi miền đất thiêng Quảng Trị đã đọng lại nhiều cảm xúc và ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng.
Được sân khấu hóa trên nền âm nhạc truyền thống kết hợp những nhạc cụ đặc trưng của các dân tộc như cồng chiêng, trống hội, khèn bè, tù và và các vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số, hòa quyện cùng những điệu múa xòe hoa đầy mê hoặc trong Phiên chợ Xuân của những cô gái Mông từ vùng cao Nghệ An, điệu múa quạt khăn xếp của cô gái Thái đến từ miền Tây Thanh Hóa; sự mạnh mẽ, rắn rỏi của những chàng trai dân tộc Cor Quảng Nam, Quảng Ngãi hay đôi tay mềm mại, uyển chuyển của những cô gái Ê Đê (Đắk Lắk), cô gái Mơ Nông (Đắk Nông) và vũ điệu cồng chiêng huyền bí của người K’Ho đến từ Lâm Đồng... đã tạo nên bầu không khí âm nhạc đậm chất núi rừng.
Chương trình trình diễn trang phục các dân tộc đã được tổ chức lồng ghép vào liên hoan văn nghệ quần chúng, với những màn trình diễn trang phục ngày thường, trang phục lễ hội và trang phục lễ cưới.
Trang phục của các dân tộc đến với ngày hội có các họa tiết đặc trưng, màu sắc sặc sỡ biểu đạt sinh động nét văn hóa độc đáo và một đời sống vô cùng phong phú, sinh động của mỗi cộng đồng dân tộc các địa phương. Bên cạnh đó, các đoàn cũng đã trình diễn các trích đoạn giới thiệu những lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc tại địa phương.
Ngay sau phần khai mạc ngày hội thi đấu thể thao, 260 vận động viên đến từ 11 tỉnh thành đã bước vào tranh tài ở các môn: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co và bắn ná tạo nên những trận thi đấu gay cấn, hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc thu hút đông đảo người dân đến động viên, cổ vũ.
Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị chia sẻ Hội thi thể thao không chỉ là cuộc tranh tài gay cấn mà còn khơi dậy tình yêu đối với các bộ môn thể thao dân gian truyền thống giàu bản sắc, qua đó, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của các dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Trong khuôn khổ Ngày hội, đã diễn ra hoạt động trưng bày ảnh với chủ đề “Các dân tộc thiểu số Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của đất nước” và triển lãm “Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam”; trưng bày các sản phẩm đặc sản và trình diễn các nghề thủ công như dệt thổ cẩm, chế tác đồ mỹ nghệ, nhạc cụ dân tộc…
Tôn vinh bản sắc, phát triển du lịch
Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2024 tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc.
Đồng thời, Ngày hội cũng là dịp để các chủ thể văn hóa, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng các dân tộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tự giới thiệu nét đẹp văn hóa, lan tỏa niềm tự hào, ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Đây còn là cơ hội quan trọng để quảng bá văn hóa đa dạng của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, thúc đẩy hiểu biết, tăng sự nhận diện bản sắc độc đáo của văn hóa từng vùng miền, đưa nước ta trở thành điểm nhấn đáng chú ý trên bản đồ văn hóa toàn cầu với những nét riêng biệt.
Tỉnh Quảng Trị hiện có hai dân tộc thiểu số chính là Bru-Vân Kiều và Pa Cô, chiếm khoảng 14% dân số toàn tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông. Đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Trị sở hữu nền văn hóa phong phú với nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp, nhân văn.
Các lễ hội truyền thống đặc sắc gồm lễ A Riêu Ping (bốc mả), lễ A Da (mừng lúa mới)… Những bản sắc văn hóa riêng đó trở thành nếp sống, chuẩn mực, giá trị tốt đẹp được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Đồng thời, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm chổi đót, đan lát đồ gia dụng và đồ dùng từ nguyên liệu bản địa cũng được đồng bào lưu giữ. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa ẩm thực đặc trưng với các loại rượu, bánh chế biến từ gạo nếp, các bài thuốc dân gian, cùng nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu như các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc như Calơi, Cha Chấp, Oát, Xà Nớt… góp phần tạo hoàn thiện tổng thể bức tranh đa sắc màu, mang đậm bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Theo ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị, Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam là cơ hội để tỉnh Quảng Trị quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của quê hương và con người quảng Trị với bạn bè, du khách trong nước và quốc tế, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững./.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam: 'Sắc màu hội tụ' tại đất thiêng Quảng Trị
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị diễn ra từ ngày 13-16/12 tập trung giới thiệu những nội dung có tính tiêu biểu trong bản sắc văn hóa các dân tộc của 16 tỉnh, thành phố.