Đã gần hai năm kể từ ngày Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (thuộc Tập đoàn Hòa Phát) đi vào hoạt động, đó cũng là quãng thời gian hàng trăm hộ dân xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) phải gánh chịu mùi hôi thối từ chất thải của hàng vạn con gà siêu trứng.
Chất thải bốc lên hằng ngày, làm xú uế cả một vùng vốn được xem là trong lành, yên bình. Nguy hại hơn là chất thải của công ty này đã làm hàng tấn cá bị chết.
Nguồn nước sinh hoạt hằng ngày của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù vậy, sau gần hai năm đi vào hoạt động, đến nay, công ty này vẫn đang loay hoay tìm hướng xử lý.
Người dân “thiệt đơn, thiệt kép”
Mấy ngày qua, người dân ở xã Đồng Lương rất bức xúc trước việc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ (Công ty Hòa Phát Phú Thọ) xả thải ô nhiễm môi trường, khiến nước hồ Ngả 2 bị chuyển màu đã làm cá nuôi của người dân tại khu 14, 16 xã Đồng Lương bị chết hàng loạt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề.
Là hộ đang nuôi thả cả tại hồ này, ông Nguyễn Trung Thành (khu 16 xã Đồng Lương) bức xúc cho biết đây là lần thứ hai xuất hiện tình trạng cá chết. Lần đầu tiên, cá chết chỉ khoảng mấy tạ. Ngay sau đó, gia đình đã báo với phía công ty và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, ngày 15/10, công ty lại tiếp tục xả thải trực tiếp ra cái hồ này khiến lượng cá chết lên đến hàng tấn.
Theo ông Thành, trước đây, Công ty Hòa Phát xây dựng không có chỗ chứa phân. Vài tháng gần đây, công ty mới đào nhiều hố đất lớn ven hồ, mỗi hố có diện tích khoảng 100m2, sâu khoảng 7-10m để đổ thẳng phân gà vào đó. Việc này đã gây ảnh hưởng đến cả nguồn nước ngầm trong khu vực.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Đỗ Đức Đại, Trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc Khu dân cư 16, cho hay không chỉ địa phận hồ Ngả 2 mà hiện nay người dân các khu lân cận cũng đứng trước nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, các giếng khoan của người dân dần cạn kiệt, nguy hại hơn là chất thải của gà tích tụ khi gặp mưa chảy ra ao làm cá chết nhiều.
Ông Vi Tiến Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, cho biết ngay sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản sự việc và đề nghị công ty phối hợp làm rõ nguyên nhân.
Ông Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ, cho biết những ngày gần đây, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài, nước từ những khu vực đồi núi xung quanh dồn về các hồ xử lý chất thải và hồ sinh học của công ty khiến lượng nước vượt quá dung tích thiết kế của bể gây nên tình trạng nước đã tràn ra hồ Ngả 2 gây ô nhiễm môi trường. Nhận được phản ánh của người dân, công ty đã nhanh chóng phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân xác minh, có phương án xử lý.
Chưa có biện pháp xử lý triệt để
Dự án “chăn nuôi gà giống trứng và gà đẻ trứng thương phẩm sản xuất trứng gà sạch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ triển khai trên địa bàn khu Vạn Thắng (khu 16), xã Đồng Lương với phạm vi diện tích hơn 400ha; quy mô công suất bình quân của trại gà 600.000 mái đẻ/năm, sản xuất khoảng 168 triệu quả trứng/năm.
Sau hơn một năm triển khai đầu tư xây dựng, đầu năm 2018, Công ty Hòa Phát Phú Thọ đã bắt đầu đi vào hoạt động. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây cũng bắt đầu tăng lên theo quy mô mở rộng của công ty. Mặc dù vậy đến nay, công ty vẫn chưa tìm được biện pháp xử lý triệt để, gây bức xúc cho người dân.
[Phú Thọ: Trang trại gà ở Cẩm Khê bị "tố" gây ô nhiễm môi trường nặng]
Anh Vũ Công Hải, người dân địa phương, cho biết từ ngày trại chăn nuôi gà của Công ty Hòa Phát đi vào hoạt động, nguồn nước giếng của người dân đã không còn sử dụng được nữa, bởi nước có mùi rất tanh và hôi.
Ông Hà Minh Dụ, khu 16 cho biết, mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm nên rất khó chịu. Tại khu vực chứa chất thải, hôm nào công ty đóng cửa còn đỡ, nếu không, mùi thối bốc lên không thể chịu nổi.
“Người dân đã nhiều lần phản ánh tình trạng ô nhiễm lên chính quyền địa phương, nhưng không những không được giải quyết mà tình trạng ô nhiễm ngày một tăng. Hơn một năm qua, người dân nơi đây phải sống chung với mùi phân gà," ông Dụ chia sẻ.
Trên thực tế, mặc dù đã được các cấp chính quyền vào cuộc xác minh lập biên bản xử lý đối với Công ty Hòa Phát vì để gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí nhiều các cơ quan báo chí phản ánh về hiện tượng ruồi nhặng; ô nhiễm nguồn nước, nước thải từ trại gà thải ra làm cá chết…
Tuy nhiên, ngay sau đó, Công ty Hòa Phát chỉ xử lý trước mắt là cho phun thuốc diệt ruồi và khử mùi. Theo người dân, cách làm này lại khiến tằm nuôi của người dân cũng chết theo hàng loạt. Bởi, con tằm là loài động vật không xương sống, cực kỳ nhạy cảm với những hóa chất độc hại và không khí ô nhiễm. Người dân đã khốn khổ vì ô nhiễm môi trường, nay lại lao đao vì nguồn sinh kế bị hủy hoại.
Ông Vi Tiến Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đồng Lương, cho biết nguyên nhân ô nhiễm khiến cá chết tại hồ Ngả 2, đó là do vỡ hồ sinh học của Công ty Hòa Phát, dẫn đến chất thải (phân gà) chảy xuống hồ Ngả 2, gây chết cá.
Ngay sau đó, Ủy ban Nhân dân xã đã lập biên bản về việc xử lý ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nguồn nước tại khu vực chung quanh và phía dưới hồ Ngả 2 thuộc khu 14 và khu 15 (gồm khu Đồn Điền và khu Đá Hoa) thuộc địa bàn xã Đồng Lương. Biên bản này có nhắc đến thực tế ô nhiễm nguồn nước và có cam kết của đại diện công ty về việc hỗ trợ tạm thời nước sinh hoạt cho người dân với mỗi hộ hai bình nước sạch loại 20 lít.
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trên, ông Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ, cho hay sáng 22/10, đại diện Công ty Hòa Phát đã phối hợp với chính quyền địa phương thống kê thiệt hại của người dân; đã hỗ trợ cho 27 hộ dân với số tiền hơn 900 triệu đồng.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiến hành xây thêm hồ sinh học và hố biogas để tăng thể tích chứa, xử lý nước thải, áp dụng dây truyền xử lý mùi của Hàn Quốc kết hợp rắc vôi và men vi sinh tại cái ao, hồ. Công ty cũng mời các đơn vị xử lý nước thải tham mưu giúp các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này.
Tuy nhiên, theo chuyên gia đánh giá về mức ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, việc giải pháp mà Công ty Hòa Phát đưa ra chỉ là biện pháp xử lý tình thế. Về lâu dài, rất khó xử lý triệt để từ chất thải chăn nuôi này, trừ khi đảm bảo được khoảng cách từ trại gà đến khu dân cư. Phía chính quyền cần giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, xử lý chất thải của Công ty Hòa Phát, yêu cầu Công ty này thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp phép./.