Nhiều giải pháp để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng kinh tế

Tổng cục trưởng Thống kê cho rằng để phục hồi tăng trưởng kinh tế, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư công.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Những dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế dù đã bắt đầu xuất hiện, song khó khăn phía trước còn rất lớn, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng để phục hồi tăng trưởng kinh tế, các bộ, ngành và địa phương cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có việc đẩy mạnh tiến độ các dự án đầu tư công trong những tháng cuối cùng của năm 2021.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát tiến độ dự án, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ trong bối cảnh dịch bệnh, đảm bảo an toàn và tiến độ thi công công trình; tập trung tháo gỡ vướng mắc, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công bao gồm cả vốn đầu tư của năm trước chuyển sang.

Cùng với đó, các địa phương chủ động xây dựng phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến của dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, doanh nghiệp, nhất là tại các khu công nghiệp tập trung. Từng bước mở cửa nhà máy, phân xưởng sản xuất, đảm bảo lưu thông hàng hóa, các cấp chính quyền chú trọng đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách tín dụng phù hợp để các tổ chức tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhằm sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh; đồng thời, xây dựng, triển khai chương trình tín dụng quy mô lớn dành cho các ngành, lĩnh vực, dự án, doanh nghiệp có khả năng tạo đột phá và sức lan tỏa lớn về tăng trưởng.

[Đề xuất chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch]

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực khôi phục lại sản xuất kinh doanh trong tình trạng thiếu lao động, thiếu nguyên vật liệu, thiếu vốn do phải duy trì hoạt động trong những tháng giãn cách xã hội. Giá xăng tăng cao nhất trong 7 năm qua, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao do ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều nguyên liệu khan hiếm làm ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi sản xuất của doanh nghiệp.

Theo ông Lê Trung Hiếu, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng cuối năm, việc có thể vực dậy nền kinh tế được hay không phụ thuộc rất lớn vào kiểm soát dịch bệnh, cũng như sự trở lại của người lao động. Do vậy, để ổn định đời sống nhân dân, khôi phục và phát triển kinh tế, giải pháp tăng cường đầu tư trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu.

Cùng với đó, chăm lo sức khỏe, đời sống của người dân, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; xây dựng kế hoạch khôi phục thị trường lao động, giải quyết khó khăn về thiếu hụt lao động tại các vùng, khu vực sản xuất trọng điểm gắn với kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch bệnh; đồng thời, có kế hoạch bố trí, đào tạo người lao động đã di chuyển về địa phương do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bà Nguyễn Thị Hương cũng cho biế, tiến độ tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 đạt kết quả khả quan và Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ được ban hành kịp thời đã đảm bảo việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế-xã hội.”

Trên thực tế, sau khi ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ cũng đã công bố một loạt chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Cộng thêm đó, một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế đang được xây dựng. Đây là những động thái quan trọng giúp kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua khó khăn và bắt đầu bước vào quỹ đạo phục hồi…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục