Để cứu doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng đang "chết dần, chết mòn", thời gian gần đây, đã có nhiều hội thảo về giải cứu doanh nghiệp được tổ chức. Bên cạnh đó, một số ngân hàng đã chủ động đưa ra các gói giải pháp như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu thời hạn trả nợ, hỗ trợ đầu ra...
Bức tranh ảm đạm Nhiều chuyên gia đã cảnh báo về một bức tranh kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp đang nhuốm màu ảm đạm. Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng nhanh, nguy cơ đình đốn sản xuất dần hiện hữu. Báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại phiên họp báo thường kỳ tháng 3/2012 cho thấy, trong quý I, có 2.200 doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới là trên 15.300 doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, một trong những khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là vốn. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho biết, theo khảo sát của ACB, có đến 30-35% doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được vốn vay ngân hàng, 35% gặp khó khăn khi tiếp cận và 30% không thể tiếp cận được và phải sử dụng nguồn vốn vay ngoài ngân hàng. Ông Hải cho rằng, việc các ngân hàng và doanh nghiệp chưa gặp nhau xuất phát từ cả hai phía. Vấn đề là giải cứu doanh nghiệp bằng cách nào trong bối cảnh lạm phát luôn rình rập. TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để giải cứu nền kinh tế, Chính phủ đã làm rất nhiều việc và thời gian tới sẽ còn rất nhiều giải pháp được đưa ra với tinh thần chung là giảm thuế, xem xét giảm lãi suất... Một loạt các chính sách khác nữa là đẩy mạnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng sức cầu của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ không chuẩn sẽ khiến cho lạm phát quay trở lại vào năm sau. Kề vai sát cánh Đồng cảm với doanh nghiệp hiện nay, một số ngân hàng đã đưa ra các gói ưu đãi suất giảm từ 1-3% so với lãi vay thông thường. Từ 21/4, HDBank triển khai chương trình “Ưu đãi lãi suất cho vay xuất nhập khẩu” dành cho khách hàng doanh nghiệp với tổng hạn mức 1.000 tỷ đồng, lãi suất 16%/năm. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhằm bổ sung nguồn vốn lưu động để thanh toán tiền nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu hoặc sản xuất, chế biến và kinh doanh hàng xuất khẩu… sẽ được HDBank cung cấp nguồn vốn với lãi suất ưu đãi 16%/năm. Ngoài chính sách ưu đãi lãi suất hấp dẫn, doanh nghiệp còn được ưu đãi phí dịch vụ thanh toán quốc tế; được cung cấp nguồn ngoại hối dồi dào, đa dạng với tỷ giá tốt nhất; miễn/giảm nhiều phí dịch vụ và nhiều ưu đãi hấp dẫn khác. Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp khó khăn trong giai đoạn hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động để có nguồn trả nợ vốn vay, BIDV cũng vừa đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các khách hàng. Đầu tiên, Ngân hàng này xem xét cơ cấu lại nợ vay (gia hạn nợ, định lại kỳ hạn trả nợ) đối với các khoản vay có khả năng không trả nợ đúng hạn do tác động của các yếu tố kinh tế trong nước và quốc tế làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chậm tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm, ứ đọng tồn kho hàng hoá, các dự án chậm tiến độ, chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, BIDV còn xem xét cơ cấu tài chính đối với các khách hàng bị mất cân đối vốn do thiếu nguồn vốn đầu tư dự án, mua sắm tài sản cố định và có khả năng khắc phục tình trạng mất cân đối vốn, đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng. BIDV cũng xem xét miễn giảm lãi đối với các khách hàng có thiện chí trả nợ, tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích khách hàng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Xem xét miễn giảm phần lãi phạt quá hạn khi khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và phần lãi còn lại (không tính lãi phạt) theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV trăn trở, thể trạng của doanh nghiệp đã "kiệt quệ" lắm rồi, nếu không có giải pháp kịp thời thì tỷ trọng số doanh nghiệp phá sản sẽ gia tăng lên rất nhiều. Vì thế, ông Hà cho rằng, trong lúc này ngân hàng phải hy sinh, chủ động tìm tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, "Cứu doanh nghiệp nào cũng phải có địa chỉ cụ thể, có nguyên tắc rõ ràng chứ không phải 'cứ thấy doanh nghiệp nào gần chết cũng cứu cả'. Nếu không ngân hàng cũng chìm xuồng theo cùng doanh nghiệp." Theo lãnh đạo ngân hàng, tung ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, chắc chắn nhà băng phải hy sinh quyền lợi riêng vì mục đích chung. "Tung ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ước tính BIDV sẽ giảm lợi nhuận từ 1.200 -1.500 tỷ đồng trong năm 2012, nhưng phải chấp nhận vì lúc này ngân hàng và doanh nghiệp cùng trên một con thuyền, nước lên thuyền lên, và ngược lại," Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV ví von. Ông Hà hy vọng, cùng với các biện pháp đã thực hiện trước đó như giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên; các biện pháp hỗ trợ khách hàng BIDV triển khai lần này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, tìm cách giảm chi phí cho doanh nghiệp cũng là một cách để tăng sức mua. “Chúng ta phải cố gắng làm thế nào để các điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt lên bằng cách làm tuy vốn có ít nhưng đưa vào những chỗ có khả năng sinh lời, sử dụng lao động, tạo ra công ăn việc làm, tạo ra sức mua," ông Kiêm nhấn mạnh.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng vừa có công văn gửi Cục Phát triển Doanh nghiệp-Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình tổ chức hội viên về việc rà soát thực trạng hoạt động doanh nghiệp trong Hiệp hội; kiến nghị một số đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ một số giải pháp: Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xử lý khối lượng hàng tồn kho lớn, đặc biệt có các giải pháp tháo gỡ thị trường bất động sản, giải tỏa vốn vay ngân hàng; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng thông qua chính sách hoãn, giãn thuế cho một số đối tượng doanh nghiệp được ưu tiên hoặc bảo lãnh của nhà nước khi vay vốn. Mặt khác, chính phủ cần có chính sách khuyến khích các ngân hàng cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho các khách hàng lĩnh vực này tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp, với thời gian phù hợp.
|
Minh Thúy (Vietnam+)