Thông báo của nhà chức trách Pháp cho biết lực lượng tìm kiếm đã phát hiện được một hộp đen từ chiếc máy bay Airbus 320 của hãng hàng không Germanwings rơi sáng ngày 24/3 tại dãy núi Alps của Pháp khi đang trên đường từ Barcelona tới Dusseldorf.
Tuy nhiên còn quá sớm để có thể xác định nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn.
Hiện tại, phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng Pháp, nhiều chuyên gia sơ bộ nhận định trục trặc kỹ thuật có khả năng là giả thuyết cao nhất dẫn đến tai nạn thảm khốc làm 150 người thiệt mạng. Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng mọi giả thuyết đều có thể xảy ra do còn nhiều yếu tố chưa được làm sáng tỏ.
Dưới đây là các kịch bản đã được các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không của Pháp đã đưa ra:
Nguyên nhân thời tiết xấu: Thông thường, điều kiện khí tượng, ngay cả ở khu vực núi cao, không ảnh hưởng đáng kể tới các chuyến bay đường dài, trừ khi xuất hiện "sóng địa hình" tức là nhiễu loạn đột ngột xuất hiện ở một số khu vực núi cao. Tuy vậy, kịch bản này có xác suất xảy ra khá thấp. Trang web chuyên về khí tượng của Pháp Meteo Consult cho biết điều kiện thời tiết vào thời điểm máy bay gặp nạn “tối ưu.”
Giảm áp suất cabin đột ngột: Trong trường hợp giảm áp suất cabin đột ngột, phi công sẽ buộc phải hạ độ cao để lấy lại áp suất phù hợp. Nếu áp suất bên trong giảm quá mạnh hoặc xảy ra nổ (thí dụ có một lỗ hổng trong khoang hành khách do va chạm mạnh hoặc một cánh cửa bị văng ra cách đó 10.000 m, phi công chỉ còn khoảng 25 giây ý thức được trước khi bị ngất. Điều đó giải thích tại sao phi hành đoàn đã không (kịp) phát tín hiệu cấp cứu, như Tổng cục hàng không dân dụng Pháp cho biết. Phi công cũng không có bất cứ hành động nào cho thấy đã cố gắng tránh địa hình.
Va chạm với chim: Đây cũng là giả thuyết được nêu ra tối 24/3. Có thể máy bay đã đụng phải một đàn ngỗng bay rất cao. Trong trường hợp đó có thể gây va chạm rất mạnh.
Trục trặc kỹ thuật: Theo một số chuyên gia, có thể máy bay đã gặp trục trặc kỹ thuật và giả thuyết này có tỷ lệ khá gần với sự thật. Các phân tích hành trình cho thấy máy bay đã hạ khẩn cấp từ độ cao hành trình khoảng 9.000 m xuống còn 2.000 m trong vòng 8 phút. Đây không phải là cú hạ cánh đột ngột, giống như vụ tai nạn máy bay của hãng hàng không Algeria tại phía Bắc Mali hồi tháng 7/2014, khi đó máy bay rơi theo phương thẳng đứng, hoặc vụ MH17 do bị tên lửa bắn hạ tại Ukraine.
Trên kênh truyền hình LCI, chuyên gia Robert Galan đã đề cập đến khả năng kết cấu máy bay bị phá vỡ, mất lái, hoặc động cơ bị nổ. Một số chuyên gia Đức thì nêu khả năng hệ thống tin học trên bàn điều khiển có vấn đề hoặc hệ thống máy tính gặp sự cố. Tuy nhiên, giả thiết này nhanh chóng bị hãng Lufthansa gạt bỏ.
Trong khi đó, phát biểu với báo Pháp Le Figaro, phi công Arnaud Louvet nhận định có thể cảm biến đo độ nghiêng máy bay đã bị hỏng. Thông thường, hệ thống này giới hạn góc nghiêng của thân máy bay khi đang bay không được vượt quá 1 đến 2 độ.
Nếu bộ phận này bị đóng băng, có thể do ngấm nước vì trời mưa khi máy bay cất cánh tại Barcelona, máy bay sẽ bị kẹt tại một góc nào đó. Trường hợp tương tự từng xảy ra năm 2008 khi một chiếc máy bay A320 đã bị rơi vào năm 2008 tại vùng biển Địa Trung Hải, khi đã bay gần đến thành phố Perpignan, miền Nam của Pháp.
Bị khủng bố tấn công: Trong bối cảnh hiện nay đây là khả năng luôn được nêu ra đầu tiên nhưng trong vụ việc này không thực sự thuyết phục. Các chuyên gia cho rằng tai nạn không giống như vụ nổ trên không trung. Các mảnh vụn xác máy bay rơi rải rác trên khu vực chỉ rộng 2 hécta, vì thế không thể bị nổ trên không. Một nhân chứng địa phương nói đã nhìn thấy một chiếc máy bay chỉ bay ở độ cao 800 mét.
Hơn nữa, thiết bị thu phát tín hiệu tự động đảm nhiệm liên lạc giữa rada và tháp kiểm soát không lưu của máy bay đã bật tín hiệu “hư hỏng”. Trong trường hợp bị bắt cóc hoặc khủng bố, phi công có cách để phát các tín hiệu đặc biệt khác.
Nhà chức trách cho biết Airbus A320 thuộc loại máy bay tầm trung kiểu một hành lang, có sức chở 150 hành khách. Khi mới được đưa ra thị trường, dòng máy bay này đã gây chú ý bởi một số tiến bộ có tính chất đột phá lúc bấy giờ, như hệ thống lái điện tử, màn hình điều khiển hiện đại.
Máy bay cũng có mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn gần 50% so với Boeing 737, đối thủ cạnh tranh chính của nó. Sau này, A320 phát triển thêm những biến thể mới từ A318 cho đến A321 và được sử dụng rất rộng rãi trên thế giới. Chiếc máy bay bị nạn đã bắt đầu được đưa vào khai thác từ năm 1990 và vừa mới được kiểm tra kỹ thuật rất gần đây./.