Nhiều dư địa để Việt Nam tiếp tục phát triển ngành hàng sữa

Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo nhiều động lực cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững; trong đó có chăn nuôi bò sữa.
Nhiều dư địa để Việt Nam tiếp tục phát triển ngành hàng sữa ảnh 1Dây chuyền vắt sữa bò tại Trang trại bò sữa Vinamilk tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Xã hội càng ngày càng phát triển, nhu cầu về sữa của người tiêu dùng trên thế giới cũng như trong nước càng ngày càng cao vì thế thị trường sữa còn rất rộng, sôi động, đặc biệt về sữa tươi ở trong nước. Trong khi đó trên thế giới, Mỹ, Canada đang trong tình trạng thiếu nghiêm trọng nguồn cung sữa công thức cho trẻ em.

Tình trạng đứt gãy chuỗi cung trong một số mặt hàng nông sản vừa qua càng cho thấy Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa và sản lượng sữa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu trong nước.

Từ chỗ không có bò sữa, đến nay Việt Nam đã có trên 28.000 trang trại và hộ nông dân nuôi bò sữa với tổng đàn bò sữa gần 375.000 con, sản lượng sữa tươi sản xuất đạt trên 1,2 triệu tấn, đáp ứng trên 42% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng, số còn lại, gần 60% phải nhập khẩu.

Theo ông Tống Xuân Chính, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng sản lượng sữa bò nguyên liệu sản xuất trong nước góp phần quan trọng đối với an ninh sản phẩm sữa cho cả tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Hiệp hội sữa Việt Nam, tổng doanh thu ngành sữa ước năm 2021 đạt 119.385 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2020.

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ năm 2015 -2021, tổng đàn bò sữa tăng trưởng bình quân 3,77%. Sản lượng sữa lỏng của cả nước năm 2021 ước đạt 1.770,1 triệu lít, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng sữa bột tính chung năm 2021 đạt 151,5 nghìn tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020.

[Thêm hai công ty được cấp mã giao dịch xuất khẩu sữa sang Trung Quốc ]

Thời gian qua, chăn nuôi bò sữa của nước ta phát triển tốt và đang dần tiệm cận với các nước chăn nuôi bò sữa phát triển trên thế giới. Năng suất sữa trung bình của đàn bò vắt sữa trong cả nước năm 2020 đạt trên 5.300 kg/con/năm. Con số này khá cao so với các nước có có điều kiện tương đương.

Một số trang trại áp dụng công nghệ cao của Công ty Vinamilk, Công ty TH milk, Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu, năng suất sữa trung của đàn bò sữa đạt từ 24,5-28,3 kg/con/ngày, tương ứng khoảng từ 7.500 -8.600 kg/chu kỳ tiết sữa; cá biệt có nhiều con đạt 11.000 kg/chu kỳ tiết sữa (305 ngày).

Theo ông Tống Xuân Chinh, hiện nay chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về mức độ công nghiệp hóa ngành chăn nuôi, chế biến sữa. Tốc độ tăng về sản lượng luôn cao hơn tốc độ tăng quy mô đầu con, hiện năng suất bò sữa của Việt Nam đã vượt xa các nước trong khu vực.

Phương thức chăn nuôi đã có những thay đổi tích cực, hình thành nhiều chuỗi liên kết có hiệu quả trong sản xuất, các chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò sữa hiện đang chiếm tỷ lệ liên kết gần 100% cao nhất trong khu vực sản xuất nông nghiệp hiện nay. Từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.

Nhiều dư địa để Việt Nam tiếp tục phát triển ngành hàng sữa ảnh 2Sản phẩm sữa Việt Nam tại Triển lãm hybrid Singapore tháng 8/2021. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, thị trường và giá cả sữa nhìn chung ổn định đảm bảo cho người chăn nuôi bò sữa có lãi.  Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng trang trại, tập trung chuyên nghiệp và công nghiệp hơn.

Bên cạnh việc từng bước đảm bảo cho tiêu dùng trong nước, ngành hàng sữa cũng chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. 

Xuất khẩu sữa, sản phẩm sữa của Việt Nam ngày càng gia tăng về cả chủng loại, khối lượng và giá trị tới 48 nước trên thế giới, đặt kim ngạch xuất khẩu năm 2021 trên 300 triệu USD.

Hiện nay, đã có 8 doanh nghiệp Việt Nam với 12 nhà máy sản xuất sữa đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu sữa vào thị trường này.

Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Kim Giao, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia súc lớn Việt Nam nhận định, dư địa phát triển chăn nuôi bò sữa của nước ta rất lớn.

Nhiều mô hình phát triển chăn nuôi bò sữa được hình thành trong thời gian qua. Mới nhất, Vinamilk phối hợp tỉnh Sơn La triển khai xây dựng dự án “Tổ hợp Thiên đường sữa Mộc Châu.”

Dự án có tổng mức đầu tư 3.150 tỷ đồng, có quy mô đàn bò sữa 4.000 con, dự kiến cung cấp 20 triệu lít sữa tươi/năm. Đây là một hệ sinh thái nông nghiệp khép kín, hiện đại gồm trang trại chăn nuôi bò sữa công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái và nhà máy chế biến sữa công nghệ cao.

Thực hiện dự án còn có Nhà máy chế biến sữa công nghệ cao Mộc Châu có diện tích 26ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn với công suất thiết kế ước đạt gần 500 tấn sữa/ngày (giai đoạn 1) và có thể nâng lên 1.000 tấn sữa/ngày trong giai đoạn 2.

Theo ông Hoàng Kim Giao, ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phải hướng tới sự chuyên nghiệp hay chuyên môn hóa, quản lý theo chuỗi, các sản phẩm sữa từ trang trại bò sữa đến bàn ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khỏe cho người tiêu dùng.

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ và thúc đẩy phát triển chăn nuôi trong thời gian qua đã được ban hành; trong đó có chính sách về nghiên cứu khoa học, khuyến nông, khuyến khích đầu tư, hỗ trợ thiên tai, kiểm soát dịch bệnh.

Đến nay, các chính sách này đã và đang đi vào thực tiễn, thu hút người dân và các doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm sữa ở trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt được kỳ vọng sẽ tạo nhiều động lực cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững; trong đó có chăn nuôi bò sữa.

Nhằm tăng nhanh đàn bò sữa, ngành chăn nuôi chủ trương đẩy nhanh, mạnh xây dựng và chuyển giao những tiến bộ khoa học công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất giống, chế biến thức ăn, bảo quản chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Theo ông Tống Xuân Chính, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung tích hợp chăn nuôi vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Tích hợp quy hoạch phát triển chăn nuôi ở cụm tỉnh, vùng, miền với quy hoạch chung của quốc gia, các tỉnh cần quy hoạch vùng theo lợi thế của từng địa phương: xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa gắn với trồng, chế biến cây thức ăn thô, xanh; chuyển đổi mạnh những diện tích đất lúa, nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ, cây thức ăn chăn nuôi; chế biến phụ phẩm công, nông nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục