Nhiều dư địa cho càphê xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Algeria

Algeria hiện nằm trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu càphê thô lớn nhất của Việt Nam, càphê của Việt Nam chiếm từ 30-50% thị phần càphê nhập khẩu của Algeria.

Thu hoạch càphê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Thu hoạch càphê ở vùng trồng của Công ty Simexco Daklak, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu càphê của Việt Nam sang Algeria đạt 52.174 tấn, kim ngạch đạt 116 triệu USD, tăng 52% về lượng và 67% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 125 triệu USD, tăng 47% so với năm 2022.

Algeria hiện nằm trong danh sách 10 thị trường xuất khẩu càphê thô lớn nhất của Việt Nam. Càphê của Việt Nam chiếm từ 30-50% thị phần càphê nhập khẩu của Algeria.

Từ nhiều năm qua, càphê cũng là mặt hàng xuất khẩu số một của Việt Nam sang Algeria, thường chiếm hơn 60% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của nước ta vào thị trường này.

Algeria là quốc gia không trồng càphê nên phải nhập khẩu 100% để phục vụ nhu cầu trong nước. Càphê cũng là đồ uống ưa chuộng nhất của người Algeria.

Với dân số hơn 46 triệu người, Algeria mỗi năm nhập khẩu khoảng 130.000 tấn càphê hạt các loại với giá trị khoảng 300 triệu USD.

Càphê được nhập khẩu dưới dạng thô (hạt) và được các nhà nhập khẩu Algeria rang xay, chế biến tại các nhà máy theo thị hiếu của người tiêu dùng Algeria và chính sách nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi.

Chủng loại càphê Robusta chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu càphê của Algeria (trên 85%), còn lại là càphê Arabica. Tổng thuế và phí nhập khẩu càphê vào Algeria là 63%.

Những nước xuất khẩu càphê chủ yếu cho Algeria là Việt Nam, Brazil, Colombia, Indonesia, Côte d’Ivoire, Ethiopia và Uganda.

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria Hoàng Đức Nhuận đánh giá càphê Việt Nam vẫn còn dư địa xuất khẩu sang Algeria do được doanh nghiệp nhập khẩu và người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, hương vị.

Ví dụ, càphê của Việt Nam có mùi vị đặc biệt, tạo ra độ bọt cao, khả năng hấp thụ đường tốt hơn so với càphê của các nước khác. Chính vì vậy, mặc dù khoảng cách địa lý giữa hai nước xa xôi, song càphê Việt Nam vẫn được ưu tiên nhập khẩu vào Algeria và thường chiếm thị phần lớn nhất.

Các nhà rang xay Algeria thường trộn càphê Việt Nam với càphê của các nước khác trong quá trình chế biến theo những tỷ lệ khác nhau. Hiện tại, các nhà nhập khẩu Algeria đang rất quan tâm đến nguồn cung càphê nhân xanh từ Việt Nam khi nước ta bắt đầu bước vào vụ thu hoạch.

Ngoài Algeria, càphê thô của Việt Nam còn có nhiều tiềm năng mở rộng thị phần tại những quốc gia châu Phi khác, nhất là các nước ở khu vực Bắc Phi như Ai Cập, Libya, Maroc, Tunisia.

Chính sách của các quốc gia Bắc Phi là nhập khẩu càphê thô, càphê nhân xanh để rang xay, chế biến trong nước cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng bản địa và nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân.

Mặt khác, các nhà nhập khẩu thường tìm mua càphê thô sàng (cỡ) 16 hoặc 18 có giá bán phải chăng, ngang bằng hoặc thấp hơn so với giá bán của các đơn vị trung gian quốc tế.

Với việc tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ-triển lãm quốc tế, các hội nghị giao thương trực tiếp, trực tuyến và thông qua hệ thống Thương vụ Việt Nam tại một số quốc gia Bắc Phi, các doanh nghiệp xuất khẩu càphê của Việt Nam có thể chủ động tìm kiếm đối tác và khách hàng nhập khẩu cho vụ thu hoạch sắp tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục