Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiệm thu đưa vào sử dụng hơn 3 năm nay nhưng vẫn chưa được giải ngân hoàn công.
Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang trong tình trạng “có tiền mà không thể chi” do vô vàn lý do cả khách quan, lẫn chủ quan.
Tại Hội nghị kinh tế-xã hội 7 tháng năm 2022 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 4/8, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tính đến cuối tháng Bảy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt 26% dự toán, chậm hơn nhiều so với mức 34,47% bình quân chung của cả nước. Nếu chia bình quân tỷ lệ giải ngân theo số tháng thì thành phố đang chậm mất một tháng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, qua rà soát giải ngân đầu tư công trên địa bàn, tình trạng giải ngân thấp rơi vào các dự án có bố trí vốn đầu tư lớn trên 200 tỷ đồng và phần lớn tập trung ở Ban Quản lý các công trình dân dụng công nghiệp.
Chẳng hạn, dự án xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh (địa điểm tại huyện Bình Chánh) được bố trí vốn 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án tuyến cuối, được bố trí vốn kéo dài, từ năm 2019 kéo sang 2022.
Dù công trình đã bàn giao nghiệm thu hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 3 năm nay nhưng do trục trặc hồ sơ liên quan đến vấn đề đất đai nên đến nay vẫn chưa thể giải ngân.
Hay dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm y tế Tân Kiên (Bình Chánh) được bố trí 277 tỷ đồng; công trình xây dựng trung tâm triển lãm thành phố của Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố được bố trí 350 tỷ đồng; dự án xây dựng cơ sở 2 Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch… cũng chưa giải ngân được.
Không chỉ vậy, tại Thành phố Hồ Chí Minh còn nhiều dự án đầu tư khác được bố trí vốn lớn nhưng có tỷ lệ giải ngân hiện chỉ dưới 10%. Cụ thể, công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh-Nguyễn Hữu Thọ được bố trí 200 tỷ đồng, mới giải ngân 9,3 tỷ đồng; dự án vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 được bố trí 1.990 tỷ đồng nhưng tỷ lệ giải ngân cũng mới đạt 4%.
Ngoài ra, dự án xây dựng hạ tầng cải tạo môi trường kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên với vốn đầu tư 1.039 tỷ đồng hiện chỉ mới giải ngân được 327 triệu đồng; dự án tuyến metro số 2 Bến Thành-Tham Lương được bố trí 394 tỷ đồng, đến nay cũng mới giải ngân được 28 tỷ đồng...
Đại diện Kho bạc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết định kỳ hằng tháng, quý, đơn vị này vẫn có văn bản gửi các chủ đầu tư đôn đốc việc gửi hồ sơ pháp lý ban đầu, tiến độ hoàn thành dự án… đến hệ thống giao dịch điện tử của Kho bạc Nhà nước nhưng tỷ lệ thực hiện rất thấp.
Theo lý giải của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn thấp so với các năm trước đây là do nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chủ yếu là ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2021.
Cùng với đó, việc tái khởi động thi công các dự án ở những tháng đầu năm 2022 có độ trễ nhất định, sau thời gian Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện ứng phó với tình hình dịch COVID-19.
Mặt khác, giá nguyên vật liệu ngành xây dựng tăng đột biến, giá xăng dầu tăng nhiều lần; các vướng mắc khi thực hiện các quy định về đầu tư công, về sử dụng vốn ODA; việc giải phóng mặt bằng chậm, thời gian thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án kéo dài đã ảnh hưởng đến việc tái khởi động thi công các dự án trong 7 tháng qua.
Ngoài ra, các sở ngành, chủ đầu tư cũng chưa quyết liệt là nguyên nhân khiến việc thực hiện các thủ tục đầu tư còn bị động. Việc chậm giải ngân đầu tư công đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hoạt động điều hành, triển khai dự án trên địa bàn.
['Công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để toàn dân được biết']
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những đơn vị có nhiều dự án chưa được bố trí vốn, cho biết nhiều dự án Hội đồng Nhân dân đã ban hành nghị quyết thực hiện nhưng phải một thời gian sau mới bố trí được vốn, điều này gây lãng phí rất lớn về mặt thời gian. Ngay cả dự án Vành đai 3 cũng chưa được bố trí giải ngân vốn để triển khai.
“Khi Hội đồng Nhân dân đã ban hành Nghị quyết thì cần phải giải ngân ngay. Tuy nhiên, không hiểu sao lại cứ phải rà soát rồi để giải ngân chậm,” ông Lâm thắc mắc.
Tại buổi họp, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng vấn đề chi đầu tư công trên địa bàn rất đáng lo ngại, khi tỷ lệ giải ngân mới đạt 26% trong 7 tháng.
Theo ông Phan Văn Mãi, việc giải ngân đầu tư công trên địa bàn đang gặp rất khó khăn, nếu không quyết tâm thực hiện, Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ không đạt chỉ tiêu đẩy mạnh sản xuất kinh doanh doanh nghiệp và đầu tư công. Đây là hai nội dung quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa lưu ý các địa phương tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây.
Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc đầu tư công chậm sẽ không dẫn dắt được kinh tế-xã hội. Do đó, ông Phan Văn Mãi đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tập trung phân tích, tìm giải pháp quyết liệt hơn để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong những tháng cuối năm, đồng thời tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở đường cho các hoạt động khác./.