Với kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 khởi sắc, nhiều doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng sẽ tiếp tục bắt nhịp đà tăng trưởng để tăng tốc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong những tháng tới.
Cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh và hiện thực hóa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa trên địa bàn thành phố tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái; doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 36,2%. Đặc biệt, khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ đã góp phần thúc đẩy tăng cầu nội địa và tăng trưởng kinh tế.
Riêng chỉ số số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6 năm 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 4,8% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 17/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ; trong đó, một số ngành có mức tăng cao như: sản xuất xe có động cơ; sản xuất phương tiện vận tải khác; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; công nghiệp chế biến, chế tạo khác...
Ghi nhận thực tế tại doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), hiện doanh nghiệp đã hoàn thành 50,1% kế hoạch lợi nhuận năm và phát triển hệ thống 376 cửa hàng độc lập. Kết quả này đạt được là nhờ PNJ liên tục đa dạng chiến lược kinh doanh và phương pháp tiếp cận thị trường hiệu quả, nên duy trì được thị phần và kiểm soát mức giảm thấp hơn so với thị trường chung.
Bà Trần Phương Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Chủ tịch Ủy ban ESG, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), chia sẻ chiến lược ESG (môi trường-xã hội-quản trị) được tích hợp vào chiến lược phát triển tổng thể của công ty. Chiến lược này, đã góp phần giúp PNJ nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư, tăng cường hợp tác thương mại quốc tế và đi trên con đường phát triển bền vững.
Báo cáo khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2 so với quý 1 đã có nhiều khởi sắc. Cụ thể, có 19,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 34,1% giữ ổn định và 46,6% khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước lạc quan nhất với 66,7% doanh nghiệp cho rằng tốt lên và giữ ổn định; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước lần lượt là 56,2% và 50,3%.
[Thành phố Hồ Chí Minh cần hoàn thiện khung pháp lý để thu hút FDI]
Đại diện Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho biết kết quả khảo sát về dự báo tình hình quý 3 so với quý 2 cũng chỉ ra rằng, có 26,4% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 35,1% giữ ổn định và 38,5% khó khăn hơn. Trong đó, có 74,4% doanh nghiệp nhà nước có nhận định tích cực về tình hình kinh doanh trong quý 3, tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài nhà nước tương ứng là 65,1% và 58,1%.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, kết quả khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (AHK world business outlook - Mùa xuân 2023) do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK Việt Nam) cho thấy, cộng đồng lạc quan vào khả năng phát triển kinh doanh, cũng như có kỳ vọng tích cực về tăng trưởng kinh tế hơn mùa thu năm 2022. Trong đó, 91% nhà đầu tư Đức tham gia khảo sát mong muốn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khoảng 40% trong số họ có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động trong 12 tháng tới.
Cộng đồng doanh nghiệp Đức cho rằng nhờ triển khai nhanh chóng những kế hoạch hành động của Chính phủ và ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam - trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên trong ngắn hạn, cộng đồng doanh nghiệp Đức vẫn thận trọng do một số thách thức địa chính trị như lạm phát, xu hướng tách rời sự phục thuộc của các nền kinh tế lớn và ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng lên chuỗi cung ứng sản xuất.
Với bối cảnh hiện tại, nền kinh tế Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp Đức kỳ vọng sẽ phục hồi trong trung hạn. Đồng thời, sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi Hiệp định Thương mại tực do (FTA), nhất là Hiệp định Thương mại tực do giữa EU và Việt Nam (EVFTA).
Hơn thế nữa, xu hướng toàn cầu về dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất đến một số trung tâm sản xuất có tính cạnh tranh cao tại Đông Nam Á và dòng vốn đầu tư xanh. Theo báo cáo của AHK Việt Nam, có 57% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ, trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầy, tiếp theo là Malaysia và Thái Lan.
Ở góc độ nhà tổ chức triển lãm quốc tế, ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty Informa Markets Việt Nam, đánh giá bên cạnh yêu cầu máy móc, thiết bị, linh kiện, công nghệ... thì doanh nghiệp Việt Nam cũng đang bắt kịp thông tin, kỹ thuật về sản xuất xanh và công nghệ xanh trong xu hướng thị trường hiện nay. Điển hình, đối với ngành cơ khí thì cơ khí chính xác là nền tảng của ngành nên nhiều ngành sản xuất khó có thể vận hành nếu không có sự hỗ trợ của lĩnh vực này.
Thống kê quy mô thị trường máy cơ khí chính xác toàn cầu ước tính đạt 19,27 tỷ USD vào năm 2028 (Báo cáo Grand View Research 2022), tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,6% từ năm 2021 đến năm 2028. Con số này cho thấy, dư địa phát triển của ngành sản xuất máy công cụ, cơ khí chính xác vô cùng rộng lớn; trong đó điểm sáng nhất phải kể đến cơ khí chính xác cho ngành ô tô, điện tử, năng lượng và hàng không vũ trụ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Không nằm ngoài xu hướng đó, tại Việt Nam nhu cầu về giải pháp gia công tiên tiến, tự động hóa toàn diện, tập trung cắt giảm thời gian chết trong sản xuất để thúc đẩy hiệu quả, cải thiện độ chính xác và tối ưu hóa quy trình đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Dự báo quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn năm 2019 đến năm 2030 sẽ ở mức khoảng 310 tỷ USD và đây là thị trường "mơ ước" đủ lớn để phát triển ngành cơ khí và sản xuất công nghiệp Việt Nam./.