Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông “chây ỳ” đền bù thiệt hại do để mất rừng

Mặc dù có quyết định của tỉnh yêu cầu đền bù thiệt hại cho nhà nước nhưng các doanh nghiệp để mất rừng ở Đắk Nông đã “chây ỳ” không chấp hành quyết định của tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp ở Đắk Nông “chây ỳ” đền bù thiệt hại do để mất rừng ảnh 1Rừng sau khi bị phá trở thành rẫy của người dân. (Ảnh: Anh Dũng/TTXVN)

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quyết định yêu cầu 5 doanh nghiệp tư nhân để mất 255ha rừng đền bù thiệt hại cho nhà nước, với tổng số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, mới chỉ có một doanh nghiệp chấp hành, còn lại “chây ỳ” không chấp hành.

Các doanh nghiệp để mất rừng gồm Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông lâm nghiệp Khải Vy, Công ty trách nhiệm hữu hạn GreenFarm Đắk Nông, Công ty trách nhiệm hữu hạn giống cây trồng Công Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Ba; trong đó, doanh nghiệp để mất rừng nhiều nhất là Doanh nghiệp tư nhân Phạm Quốc với 137,1ha rừng bị mất, phải đền bù hơn 9,5 tỷ đồng và Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông lâm nghiệp Khải Vy để mất gần 86ha rừng, phải đền bù 876,7 triệu đồng.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Công ty trách nhiệm hữu hạn giống cây trồng Công Long đã nộp về ngân sách nhà nước hơn 334 triệu đồng tiền đền bù do để mất gần 16ha rừng.

Các doanh nghiệp còn lại chưa nộp tiền về cho nhà nước theo quy định.

Nguyên nhân các doanh nghiệp chưa chịu nộp phạt là do số tiền phải nộp quá lớn và tỉnh Đắk Nông cũng chưa có chế tài đủ mạnh để buộc các đơn vị để mất rừng đền bù thiệt hại.

Theo ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, để xảy ra tình trạng mất rừng trong thời gian qua, trách nhiệm trước hết của cơ quan quản lý nhà nước là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tiếp đến là chính quyền địa phương, các chủ rừng.

Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp. Nếu dự án nào không triển khai hoặc triển khai không hiệu quả mà để mất rừng lớn sẽ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kiên quyết thu hồi đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá lại hiện trạng diện tích đất có rừng hiện còn để làm cơ sở lập thủ tục ký hợp đồng thuê rừng; xác định giá trị thiệt hại bằng tiền đối với diện tích mất rừng của từng dự án và buộc các doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại bằng tiền theo đúng quy định.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông sẽ chỉ đạo thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách theo quy định của Thủ tướng Chính phủ để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đến rừng; tổ chức giải tỏa, thu hồi đất rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép và có kế hoạch để phục hồi, trồng lại rừng trong năm 2017; tiếp tục hoàn thiện những chế tài để gắn trách nhiệm và xử lý nghiêm những chủ rừng để mất rừng…

Hiện nay, Đắk Nông có 41 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp đang triển khai thực hiện, với tổng diện tích đã giao, cho thuê hơn 33.000 ha rừng và đất lâm nghiệp. Nhiều dự án triển khai không hiệu quả, buông lỏng quản lý, bảo vệ rừng dẫn đến mất rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tràn lan, gây mất an ninh trật tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục