Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hôm 23/1, hãng hãng không All Nippon Airways (ANA) đã quyết định hủy bỏ tất cả các chuyến bay nối sân bay Narita giáp thủ đô Tokyo và thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) trong hai ngày kể từ ngày 23/1.
Sau đó, ANA sẽ đưa ra quyết định có nối lại các chuyến bay trên tuyến này hay không tùy thuộc vào tình hình ở Trung Quốc.
Cùng ngày, hãng hàng không Juneyao của Trung Quốc đã hủy các chuyến bay giữa sân bay Kansai của Nhật Bản và thành phố Vũ Hán, trong khi hãng hàng không Spring Airlines Japan yêu cầu các tiếp viên trên tuyến bay này phải đeo khẩu trang, đồng thời phân phát khẩu trang cho hành khách kể từ ngày 22/1.
[Dịch viêm phổi lạ: Nhật Bản và Hàn Quốc xác nhận các ca nhiễm thứ 2]
Đối với ngành du lịch, hãng lữ hành JTB Corp đã phải hủy tất cả các chuyến du lịch đến/từ thành phố Vũ Hán trong tháng 2 và 3/2020.
Cũng trong ngày 23/1, hãng chế tạo linh kiện ôtô của Nhật Bản Denso Corp đã cấm tất cả nhân viên của hãng đến thành phố Vũ Hán, nơi Denso đặt trung tâm phát triển phần mềm xe hơi.
MUFG Bank và Mizuho Bank, những ngân hàng của Nhật Bản có chi nhánh tại Vũ Hán, cũng yêu cầu các nhân viên của mình hạn chế tới thành phố này, trong khi tập đoàn viễn thông KDDI Corp. của Nhật Bản chỉ thị cho các nhân viên của mình tại văn phòng ở Vũ Hán phải ở nhà.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác của Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc cũng bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe cho nhân viên như yêu cầu nhân viên hạn chế tới nơi đông người và đi tới bệnh viện ngay lập tức nếu bị sốt.
Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hiện có khoảng 160 công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Vũ Hán, và gần 500 công dân Nhật Bản đang sống ở thành phố này.
Trong khi đó, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, nước này hiện có khoảng 550 công dân đang sống tại thành phố Vũ Hán.
Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã liên tục cập nhật thông tin cho các công dân nước này về số lượng các trường hợp nhiễm bệnh và các dịch vụ giao thông ở nước sở tại qua email, đồng thời yêu cầu họ không đi ra ngoài nếu không có việc khẩn cấp.
Ở chiều ngược lại, vẫn có một số doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
Một ngày sau khi Nhật Bản phát hiện ca nhiễm virus corona đầu tiên, ngày 16/1, doanh số bán hàng của Unicharm Corp., công ty sản xuất khẩu trang y tế lớn nhất Nhật Bản, đã tăng gấp 10 lần so với bình thường.
Trong bối cảnh đó, Unicharm đã quyết định duy trì dây chuyền sản xuất liên tục 24/24 giờ trong cả tháng 1/2020.
Tính đến sáng 24/1, Nhật Bản đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus corona. Họ đều là đàn ông và đến từ thành phố Vũ Hán. Lo ngại nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong nước, ngày 21/1, nội các Nhật Bản đã thông qua các biện pháp nhằm đối phó căn bệnh nguy hiểm này.
Các quan chức kiểm dịch sẽ kiểm tra kỹ lưỡng những người đến từ các khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn virus corona xâm nhập vào Nhật Bản.
Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm bệnh, tất cả các mẫu xét nghiệm sẽ được các chuyên gia của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIIDS) thực hiện.
Ngoài ra, các nhà chức trách sẽ theo dõi sát sao những người đã từng tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm virus corona./.