Nhiều doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai đã hoạt động trở lại

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp lớn (quy mô khoảng 30.000 lao động/doanh nghiệp) đã hoạt động trở lại. Dự kiến cuối tháng 10, hầu hết các DN sẽ ổn định sản xuất.
Nhiều doanh nghiệp lớn tại tỉnh Đồng Nai đã hoạt động trở lại ảnh 1Doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện phương án 3 tại chỗ. (Ảnh: TTXVN)

Đầu tháng 10 này, Đồng Nai đề ra chủ trương cho phép doanh nghiệp không thực hiện "3 tại chỗ" hoạt động trở lại bằng cách tổ chức cho công nhân đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 dưới 6 tháng đi, về hàng ngày bằng phương tiện cá nhân.

Ngay sau đó, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sử dụng nhiều lao động trên địa bàn Đồng Nai đã mở lại nhà máy, từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tập đoàn Phong Thái hiện có 5 nhà máy đóng trên địa bàn Đồng Nai với hơn 63.000 lao động. Do dịch COVID-19, hơn 2 tháng qua tập đoàn phải tạm ngưng sản xuất. Từ 5/10, các nhà máy của Tập đoàn Phong Thái bắt đầu hoạt động trở lại, đến nay, hơn 27.000 lao động của tập đoàn đã đi làm việc.

Ông Lê Quốc Thanh - Tổng Giám đốc điều hành khu vực Việt Nam Tập đoàn Phong Thái, cho biết điều đáng mừng là số lao động trở lại làm việc tại các nhà máy của Tập đoàn Phong Thái tăng nhanh theo từng ngày.

Nhờ lao động quay lại đông nên đến nay các nhà máy của tập đoàn đã hoạt động được khoảng 50% công suất, doanh nghiệp cơ bản đã ổn định, phục hồi sản xuất.

Đến nay, đa số người lao động trong tập đoàn đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, dự kiến khoảng 10 ngày nữa công nhân của tập đoàn sẽ trở lại làm việc đầy đủ.

[Tất cả doanh nghiệp trên địa bàn Long An được hoạt động trở lại]

Ông Lê Quốc Thanh chia sẻ lao động làm việc tại Tập đoàn Phong Thái chủ yếu sinh sống trên địa bàn Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận. Những tháng qua, do dịch COVID-19 nên Tập đoàn Phong Thái phải tạm ngừng hoạt động, tuy nhiên, hằng tháng tập đoàn vẫn chi khoảng 17 triệu USD (gần 400 tỷ đồng) để trả lương và đóng bảo hiểm cho tất cả công nhân, trung bình mỗi tháng, người lao động được trả khoảng 4,4 triệu đồng.

Do thực hiện tốt chế độ, chính sách nên công nhân gắn bó với tập đoàn, nhiều lao động đã về quê, song khi tập đoàn đi vào hoạt động họ lập tức trở lại làm việc.

Theo ông Lê Quốc Thanh, vừa qua 7.000 lao động làm việc tại Tập đoàn Phong Thái về quê ở Bình Thuận. Tuy nhiên, do quy định phòng, chống dịch nên đến nay số lao động này chưa thể trở lại làm việc, Tập đoàn Phong Thái đang tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng, đồng thời mong muốn chính quyền tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận hỗ trợ giải quyết các thủ tục, sớm cho phép số lao động này trở lại Đồng Nai làm việc.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, những ngày qua, các doanh nghiệp lớn, sử dụng trên dưới 30.000 lao động/doanh nghiệp ở Đồng Nai như Công ty Changshin Việt Nam, Công ty Pousung Việt Nam, Công ty Teawang Vina đã hoạt động trở lại.

Do số công nhân trở lại làm việc chưa đủ nên doanh nghiệp sắp xếp lại lao động, dồn chuyền để tiến hành sản xuất. Với diễn tiến tình hình như hiện nay, cuối tháng 10 này hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ ổn định sản xuất.

Ông Lê Văn Danh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, cho biết những ngày gần đây, Đồng Nai đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ các khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh; tỉnh cho phép doanh nghiệp được chấm dứt phương án "3 tại chỗ," chuyển sang tổ chức cho công nhân đi, về hằng ngày.

Tới đây, Đồng Nai cũng sẽ làm việc với tỉnh, thành lân cận như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu để thống nhất các phương án, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động qua lại giữa các địa phương.

Theo ông Lê Văn Danh, cùng với mở cửa, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội, mới đây Đồng Nai cũng cho phép doanh nghiệp hoạt động theo phương án để công nhân đi, về hàng ngày; doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" được tự quyết định chấm dứt hoặc duy trì "3 tại chỗ."

Đến ngày 12/10, có gần 430 doanh nghiệp ở Đồng Nai đăng ký cho gần 170.000 lao động đi, về hàng ngày. Ngoài ra, gần 1.200 doanh nghiệp trong tỉnh vẫn đang thực hiện "3 tại chỗ" với khoảng 140.000 lao động lưu trú tại công ty.

Ông Lê Văn Danh nhận định: "Tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị dừng "3 tại chỗ," chuyển sang hoạt động theo phương án cho công nhân đi về hàng ngày. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai đang huy động toàn bộ nhân lực, làm việc cả ngày nghỉ và ban đêm để giải quyết hồ sơ của doanh nghiệp. Quá trình hoạt động trở lại, doanh nghiệp nếu gặp khó khăn, vướng mắc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai sẽ phối hợp cùng ngành chức năng giải quyết nhanh chóng, kịp thời."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục