Nhiều doanh nghiệp kiện chính phủ Hàn Quốc vụ đóng KCN Kaesong

Nhóm doanh nhân đại diện cho hơn 100 công ty cho rằng quyết định của Chính phủ Hàn Quốc là vi phạm quyền sở hữu tài sản của các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong.
Xe chở công dân Hàn Quốc rời khỏi khu công nghiệp Kaesong ngày 11/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 9/5, giới doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại khu công nghiệp chung Kaesong hiện đóng cửa đã kiện ra tòa án về quyết định do chính phủ nước này đưa ra hồi tháng 2 vừa qua về việc rút toàn bộ các doanh nghiệp Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp này.

Trong một tuyên bố, nhóm doanh nhân đại diện cho hơn 100 công ty cho rằng quyết định bất ngờ nói trên của Chính phủ Hàn Quốc là vi phạm quyền sở hữu tài sản của các doanh nghiệp hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong vì "không có căn cứ pháp lý."

Trong đơn kiện gửi tòa án, các doanh nghiệp trên cho rằng Chính phủ Hàn Quốc đã vượt quá quyền hạn khi rút toàn bộ doanh nghiệp của nước này khỏi khu công nghiệp Kaesong.

Ngày 10/2 vừa qua, Hàn Quốc thông báo ngừng toàn bộ hoạt động tại khu công nghiệp Kaesong nhằm phản đối vụ Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư và phóng tên lửa tầm xa mang vệ tinh. Đáp lại, Triều Tiên đã quyết định đóng cửa khu công nghiệp, trục xuất toàn bộ nhân viên Hàn Quốc và đóng băng toàn bộ tài sản của các doanh nghiệp Hàn Quốc ở đây, đồng thời đặt khu này dưới sự quản lý của quân đội. Bình Nhưỡng sau đó tuyên bố sẽ thanh lý toàn bộ số tài sản còn lại, với tổng giá trị mà theo các chủ doanh nghiệp là hơn 820 tỷ won (tương đương 663 triệu USD). Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã yêu cầu chính phủ nước mình bồi thường những thiệt hại này.

Từ khi Kaesong thành lập vào năm 2004, các công ty của Hàn Quốc đã thuê hơn 53.000 công nhân Triều Tiên làm việc cho các cơ sở sản xuất hàng dệt may, giày dép và linh kiện điện tử đơn giản.

Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đã sử dụng phần lớn tiền lương lẽ ra phải trả cho công nhân ở đây vào việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Kaesong được thành lập theo chính sách "Ánh dương" cuối những năm 90 của thế kỷ trước và là biểu tượng của hòa giải hai miền. Nơi đây vốn không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm trong quan hệ liên Triều. Chỉ có một ngoại lệ vào năm 2013, căng thẳng biên giới tăng cao khiến Bình Nhưỡng đóng cửa khu công nghiệp này trong 5 tháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục