Nhiều doanh nghiệp khoáng sản tại Cao Bằng phải ngừng hoạt động

Khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nguyên liệu, sản phẩm không tiêu thụ... được là những khó khăn chính mà nhiều doanh nghiệp khoáng sản tại Cao Bằng đang đối mặt hiện nay.
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy luyện gang Công ty Cổ phần Khoáng sản Tây Giang. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Theo Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, đến nay hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai khoáng, luyện kim đều ngừng hoạt động.

Đáng chú ý, một số nhà máy chế biến khoáng sản đã dừng sản xuất từ năm 2014 đến nay vẫn chưa tổ chức sản xuất như nhà máy chế biến Fêrômangan của doanh nghiệp thương mại Nam Mạch, nhà máy chế biến sắt sốp Bản Tấn của Công ty cổ phần Khoáng sản và luyện kim Việt Nam (MIREX), Công ty cổ phần Than cốc và khoáng sản Việt Trung…

Hiện tại, chỉ có một số nhà máy sản xuất các sản phẩm ximăng, gạch xây các loại, in ấn, sản xuất cung cấp nước, chế biến trúc tre, nước uống, sản xuất đường kính vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Công ty cổ phần công nghiệp Mănggan Cao Bằng, trụ sở tại xóm Bản Ga, xã Quang Trung, huyện Trà Lĩnh, cũng đang chịu cảnh khó khăn chung của công nghiệp tỉnh Cao Bằng. Mặc dù nằm trên vùng nguyên liệu, nhưng từ đầu năm đến nay Công ty cổ phần công nghiệp Măng gan Cao Bằng đã phải tạm ngừng hoạt động vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty cho biết, năm 2014 doanh thu của Công ty đạt 43,2 tỷ đồng, đến thời điểm này mới chỉ đạt 10,2 tỷ đồng do giá cả ngày càng xuống thấp và tồn kho hơn 4.000 tấn quặng nguyên liệu. Trong thời gian tới, có khả năng Công ty phải xin tạm ngừng hoạt động một thời gian để chờ giá cả thị trường tăng.

Theo ông Nguyễn Đặng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, g iá trị sản xuất 11 tháng năm 2015 đạt 1.047 tỷ đồng, bằng gần 44% kế hoạch và giảm 44% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, ngành khai khoáng giảm gần 70%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 63%; phân phối điện, khí đốt giảm 40%.

Nguyên nhân các chỉ số trên đạt thấp do các nhà máy công nghiệp chế biến khoáng sản kim loại có giá trị sản phẩm lớn từ đầu năm 2015 đến nay vẫn chưa tổ chức sản xuất, hoặc chỉ sản xuất cầm chừng do khó khăn về tài chính, thiếu nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ thu hẹp, giá bán sản phẩm giảm mạnh, sản phẩm sản xuất tiêu thụ chậm, các nhà máy thủy điện do nước sông cạn kiệt nên không đủ nước để phát huy công suất thiết bị.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đặng cho biết, tỉnh đã tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp thông qua giải quyết tốt các thủ tục hành chính, miễn các loại phí, lệ phí, hoặc hoãn thuế cho một số doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường nội địa, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện hợp tác liên doanh phát triển sản xuất.

Tỉnh cũng tập trung khai thác tối đa năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường để đáp ứng các sản phẩm phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng địa phương; đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm có thị trường truyền thống như sản phẩm chế biến từ cây trúc, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, đường, nước máy …

Ngoài ra, Sở Công Thương sẽ đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành công thương quản lý góp phần duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bình ổn thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục