Nhiều doanh nghiệp chưa biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh hội nhập, các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng sẽ được triển khai để bảo vệ sản xuất trong nước thì hầu hết doanh nghiệp còn khá lúng túng, chưa biết dùng công cụ phòng vệ này.
Hoạt động sản xuất tại Khu liên hợp gang thép tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Quân Trang/TTXVN)

Gia nhập TPP hay các Hiệp định thương mại tự do là cánh cửa rộng mở để các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều hơn nhưng cũng là thử thách khi hàng hóa các nước ồ ạt vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp phòng vệ thương mại chính đáng sẽ được triển khai để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các doanh nghiệp vẫn còn khá lúng túng vì chưa quen, chưa biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại Hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, trong quá trình mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, các nước có xu hướng gia tăng điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ) đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.

Dù phải liên tục chống đỡ các vụ phòng vệ thương mại, doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất bị động trong tự vệ và sử dụng rào cản phòng vệ thương mại tại sân nhà.

Từ năm 2004, Chính phủ đã ban hành pháp lệnh chống bán phá giá, pháp lệnh chống trợ cấp và pháp lệnh về tự vệ nhưng đến nay chỉ mới thực hiện ba vụ tự vệ và một vụ chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập vào Việt Nam.

Nhưng đến nay, các doanh nghiệp chưa biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại.

Ông Tô Thái Ninh, Phó Trưởng phòng Điều tra vụ kiện phòng vệ thương mại của doanh nghiệp trong nước, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết, cách đây vài năm khi mới gia nhập WTO và bắt đầu ký kết các FTA thì có tới 90% doanh nghiệp chưa có kiến thức, kỹ năng hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại.

Nhưng sau một thời gian, hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh, nhất là hàng hóa của Trung Quốc thì nhận thức của doanh nghiệp đối với biện pháp phòng vệ thương mại đã tăng lên đáng kể.

Đại diện cho phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen chia sẻ, đơn vị chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các hàng hóa nhập khẩu nhưng một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh bằng cách họ bán phá giá, đưa những hàng kém chất lượng vào thị trường để cạnh tranh với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Như vậy doanh nghiệp không thể cạnh được, không có một sân chơi sòng phẳng.

Chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ là các công cụ phòng vệ thương mại được WTO chấp nhận sử dụng để bảo vệ nền sản xuất của mỗi quốc gia.

Để bảo vệ chính mình trước sân chơi hội nhập, trước hết các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về phòng vệ thương mại, chủ động thu thập thông tin về các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài cũng như các nhà sản xuất trong nước, tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp cùng ngành, nâng cao vai trò của các hiệp hội.

Đưa ra một lời khuyên với doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, Khi vướng vào các vụ kiện phòng vệ thương mại, dù chưa biết kết quả ra sao, song doanh nghiệp chắc chắn sẽ có những thiệt hại về thời gian theo đuổi vụ kiện, tốn kém chi phí không nhỏ.

Vì vậy, để giảm tải rủi ro, việc đầu tiên các doanh nghiệp thép Việt Nam có thể làm là chủ động phân bố thị trường rộng hơn.

Ông Nguyễn Văn Sưa nhấn mạnh: “Vì là người đi sau, kinh nghiệm về phòng vệ thương mại chắc chắn thua kém doanh nghiệp của nhiều quốc gia. Do đó, doanh nghiệp buộc phải học hỏi thật nhanh, nghiên cứu thật sâu và không nên bi quan về vấn đề nguồn lực. Vấn đề chính là phương pháp và cách thức tổ chức để luôn là người chủ động. Khi các doanh nghiệp dành sự quan tâm đặc biệt đến phòng vệ thương mại thì mọi khó khăn có thể vượt qua.”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục