Nhiều doanh nghiệp châu Âu lạc quan về khả năng phục hồi năm 2021

Lợi nhuận của nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới AB InBev đã giảm 50% vì các quan bar, nhà hàng trên thế giới phải đóng cửa do tác động của đại dịch COVID-19.
Nhiều doanh nghiệp châu Âu lạc quan về khả năng phục hồi năm 2021 ảnh 1Sản phẩm của AB InBev. (Nguồn: Bloomberg)

Lợi nhuận trong năm 2020 của nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới - AB InBev, đã giảm 50% do các quan bar, nhà hàng trên thế giới phải đóng cửa do tác động của đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, công ty dự báo doanh số và lợi nhuận sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 sau khi tăng trở lại trong cuối năm ngoái.

Thông báo ngày 25/2 của AB InBev cho hay lợi nhuận ròng trong năm ngoái của công ty chỉ đạt 3,8 tỷ USD. AB InBev là công ty sở hữu nhiều thương hiệu bia nổi tiếng như Budweiser, Stella Artois và Corona. Tuy nhiên, trong quý 4/2020, lợi nhuận của công ty đạt hơn 2 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với mức 962 triệu USD cùng kỳ năm 2019.

Nhà sản xuất bia liên doanh Bỉ-Brazil này cho biết mức tiêu thụ bia trượt dốc do các biện pháp phong tỏa được áp đặt trên toàn cầu nhằm khống chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, các "thượng đế" đã nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới, bằng cách chuyển sang tiêu dùng tại nhà, tăng cường sử dụng các kênh thương mại điện tử và tìm ra các phương thức mới để kết nối với người khác, củng cố niềm tin của công ty vào tiềm năng phát triển dài hạn của thị trường bia thế giới.

Theo AB InBev, mặc dù doanh số giảm 4,7% trong năm 2020, nhưng doanh thu chỉ giảm 3,7%, xuống gần 47 tỷ USD do công ty này tăng giá bán các sản phẩm.

[Eurostat: Kinh tế Eurozone giảm ít hơn dự kiến trong năm 2020]

Trong khi đó, Getlink - công ty đường sắt vận hành dự án đường hầm Channel Tunnel, nối Anh với phần còn lại của châu Âu, cũng bày tỏ lạc quan vào tương lai, dù rằng báo cáo khoản lỗ ròng lên tới 138 triệu USD (113 triệu euro) trong năm 2020 do tác động của COVID-19 và sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU).

Getlink, từng được biết đến với tên gọi Eurotunnel, công bố lãi ròng 193 triệu USD năm 2019. Tuy nhiên, doanh thu năm 2020 của công ty này giảm 25% xuống còn 997 triệu USD. Trong đó, dịch vụ vận chuyển hành khách Eurostar bị ảnh hưởng nghiêm trọng do các lệnh cấm đi lại và hậu quả từ Brexit.

Lợi nhuận trước thuế cũng giảm 41% xuống còn 400 triệu USD, nhưng đây vẫn được xem là con số "rất khả quan." Công ty cho biết không phải dùng tới khoản tiền mặt dự trữ cũng như kịp thời giảm nợ trong cuộc khủng hoảng.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu lạc quan về khả năng phục hồi năm 2021 ảnh 2(Nguồn: Getty Images)

Giám đốc của Getlink, ông Yann Leriche cho biết công ty đã có những bước phát triển "chắc chắn" trong bối cảnh khó khăn do tác động kép của COVID-19 và Brexit gây ra. Getlink chưa đưa dự báo cho năm 2021, nhấn mạnh do chưa có tầm nhìn cụ thể về tình hình tăng trưởng.

Nhà sản xuất thiết bị quân sự của Anh BAE Systems cũng không phải là ngoại lệ trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19. Trong một thông báo, BAE Systems cho hay lợi nhuận ròng năm 2020 sụt giảm vì tình trạng trì trệ trong sáu tháng đầu năm.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế trong năm 2020 của công ty đạt gần 1,8 tỷ USD (1,3 tỷ bảng), giảm 12% so với mức hơn 2 tỷ USD của năm 2019. Tuy nhiên, doanh số và lợi nhuận trước thuế đều tăng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế tăng 1,6% lên mức 2,6 tỷ USD, còn doanh thu tăng 4% lên gần 30 tỷ USD. Theo dự báo, công ty sẽ tiếp tục đạt mức tăng trưởng tương tự trong năm 2021.

Giám đốc của BAE Systems, ông Charles Woodburn cho rằng nỗ lực của các nhân viên cùng sự hợp tác chặt chẽ với các khách hàng, nhà cung cấp và đối tác thương mại đã giúp công ty có được kết quả khả quan trước những thách thức do COVID-19 gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục