Nhiều điều thú vị trong phim về ca khúc “We are the world” của đạo diễn gốc Việt

Đêm thu âm ca khúc được coi là dịp hiếm hoi, gần như duy nhất để có được đầy đủ các tên tuổi lớn của Mỹ. Bên ngoài phòng thu được treo dòng chữ nhắc nhở “Hãy để cái tôi lại ngoài cửa.”

Dàn nghệ sỹ tụ họp thu âm "We are the world." (Ảnh tư liệu)
Dàn nghệ sỹ tụ họp thu âm "We are the world." (Ảnh tư liệu)

Kể từ ngày ra mắt (29/1), phim tài liệu "The Greatest Night in Pop” (Đêm nhạc Pop vĩ đại nhất) của Bảo Nguyễn liên tục nằm trong “top 10” phim lẻ gây chú ý trên Netflix toàn cầu.

Phim kể chuyện hậu trường thu âm ca khúc đình đám “We are the World” (1985) - ca khúc có sự góp giọng của 46 nghệ sỹ hàng đầu bấy giờ của Mỹ, gồm Michael Jackson, Lionel Richie, Diana Ross, Stevie Wonder và hơn 40 siêu sao khác, nhằm gây quỹ để chống lại nạn đói tại Ethiopia.

Dù đã diễn ra từ 1973 nhưng thảm họa này đạt đỉnh vào giai đoạn từ 1983-1985, cướp đi sinh mạng hơn 1,2 người. Tại Mỹ, “ông vua nhạc Calypso” Harry Belafonte nảy ra ý tưởng về một ca khúc gây quỹ được hát bởi những giọng ca nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ bấy giờ.

Để thực hiện, Harry Belafonte kết hợp với Ken Kragen (nhà quản lý của Lionel Richie và Kenny Rogers bấy giờ). Họ nhắm tới rất nhiều tên tuổi nổi bật lúc đó như Bruce Springteen, Madona, Prince, Cindy Lauper…

Thế nhưng câu hỏi đặt ra là làm sao có thể mời được tất cả những ngôi sao này, khi họ đều bận đi tour, cần xếp lịch trước cả tháng? Ai sẽ chi trả chi phí đi lại, ăn ở cho họ trong khi đây là dự án phi lợi nhuận…? “Đó sẽ là một cơn ác mộng về hậu cần” - một thành viên ê-kíp chia sẻ trong phim.

lionelrichie and bao nguyen.png
Đạo diễn Bảo Nguyễn (trái) và nam ca sỹ Lionel Richie - người xuất hiện trong phim tài liệu "The Greatest Night in Pop." (Ảnh: Reuters)

Cuối cùng, buổi thu âm đã diễn ra ngay trong đêm 28/1 tại Studio A&M (Los Angeles), ngay sau Lễ trao Giải thưởng Âm nhạc Mỹ (American Music Awards) lần thứ 12. Đây là sự kiện âm nhạc lớn hạng nhì (sau Grammy), tập hợp những ngôi sao được khán giả yêu thích nhất.

Từ giọng ca “Hello” Lionel Richie, nhóm dần có thêm “ông hoàng nhạc Pop” Michael Jackson, nhà sản xuất âm nhạc tài ba Quincy Jones và nhạc sỹ mù thiên tài Stevie Wonder. Ken Krager tự tin rằng với 4 cái tên này, bất cứ ai cũng sẵn sàng tham gia dự án.

Quả thật, những siêu sao khác liên tục xuất hiện sau đó, nổi bật nhất có thể kể đến những gương mặt trẻ như Cyndi Lauper, Bruce Springsteen, Stevie Wonder, Huey Lewis rồi thế hệ được coi là “cây đa cây đề,” những người đã có thâm niên và được kính trọng như Ray Charles, Willie Nelson, Bob Dylan, Diana Ross…

Mọi thông tin đều được giữ tuyệt mật. Với thời gian thu âm vỏn vẹn vài tiếng, toàn bộ ê-kíp không được phép lơ là và bất cẩn dù chỉ một giây, bởi bất hòa giữa những nghệ sỹ đầy cá tính có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

“Nhạc trưởng” Quincy Jones đã viết dòng chữ “Hãy để lại cái tôi lại ngoài cửa” ngay trên lối ra vào phòng thu nhằm nhắc nhở mục đích mỗi người có mặt ở đây.

Thiết kế chưa có tên.png
Từ trái sang: Michael Jackson, Prince, Cyndi Lauper và Madona. (Ảnh: Tổng hợp)

Nhiều điều thú vị khác được hé lộ trong bộ phim dài 1 tiếng 37 phút, trong đó giải thích vì sao Prince - ngôi sao được đặt vào đối trọng với Michael Jackson hay Madonna - đối trọng của Cyndi Lauper không hề xuất hiện trong dàn nghệ sỹ, dù là những cái tên nổi nhất nhì lịch sử âm nhạc Mỹ.

Phim cũng cho thấy nhiều ca sỹ lớn đã phải luyện tập và hát lại nhiều lần, cùng lúc hé lộ những khoảnh khắc hài hước, khoảnh khắc đáng nhớ, tương tác thân mật, gần gũi giữa các nghệ sỹ lớn, song song với những giây phút căng thẳng, tranh luận to tiếng.

Đạo diễn Bảo Nguyễn sinh năm 1983, chỉ khoảng 2 tuổi khi ca khúc ra mắt. Khi lớn hơn, Bảo Nguyễn nghe và biết đến ca khúc, nhưng phải đến khi được đồng nghiệp, nhà sản xuất Julia Nottingham (phim “Be Water”) giới thiệu về câu chuyện phía sau, anh mới dần đi đến quyết định làm bộ phim.

Báo chí quốc tế dành nhiều lời có cánh cho phim. “The Greatest Night in Pop là cơn lốc hoài niệm cho thế hệ Gen X” - chuyên trang điện ảnh Vulture của Tạp chí New York “giật tít.” Còn Tạp chí Variety đánh giá phim là tràn ngập cảm xúc từ những ngôi sao lớn và không thể cưỡng lại. Với hơn 3.000 đánh giá trên nền tảng IMDb, phim đang giữ số điểm cao 8.1/10.

Trước khi xuất hiện trên Netflix, “The Gratest Night in Pop” đã ra mắt tại Liên hoan Phim Sundance - liên hoan lớn nhất dành cho phim độc lập tại Mỹ. Đây cũng là tác phẩm tiếp theo của Bảo Nguyễn sau “Be Water” - phim tài liệu về Lý Tiểu Long từng nhận đề cử tại Giải thưởng Emmy.

Sau khi ra mắt, “We are the world” đứng đầu bảng xếp hạng nội địa Billboard 100 suốt một tháng, gây quỹ được hơn 63 triệu USD. Đến nay, đây vẫn là 1 trong 9 đĩa đơn bán chạy nhất thế giới.

Ca khúc này được coi là phiên bản Mỹ của “Do they know it’s Christmas?” ca khúc thuộc dự án Band Aid. Khởi động cuối năm 1984, Band Aid tập hợp các siêu sao, ban nhạc lớn tại Anh và Ireland, cũng nhằm mục đích gây quỹ giúp người dân Ethiopia khỏi nạn đói.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục