Nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng

Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố trong 9 tháng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ, đặc biệt, hiệu quả từ chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút FDI.
Ngày 28/5/2023, Hải Phòng khởi công Khu nhà ở xã hội thuộc Dự án Khu đô thị-Dịch vụ thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ, xã Lê Lợi, xã Quốc Tuấn, huyện An Dương. (Ảnh: TTXVN phát)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng nhấn mạnh, 9 tháng qua trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng Hải Phòng vẫn đạt nhiều kết quả rất đáng khích lệ, nổi bật là tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao, đạt 10,08%, nằm trong top đầu cả nước.

Tại phiên họp Phiên thường kỳ (trực tuyến) tháng 9/2023 của Ủy ban Nhân dân thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết đặc biệt, Hải Phòng đã xuất sắc về trước 4 tháng kế hoạch thu hút vốn FDI năm 2023, đạt hơn 3 tỷ USD. Các chỉ tiêu như phát triển sản xuất công nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công; thu hút khách du lịch; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội… tiếp tục tăng trưởng.

Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội thành phố trong 9 tháng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hoàng Long cho biết, một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố trong 9 tháng đầu năm tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, hiệu quả từ chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư đã mang lại kết quả tích cực trong thu hút đầu tư nước ngoài tại thành phố, 9 tháng đầu năm thu hút 3.055,58 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 140,3% so với cùng kỳ, đạt 152,78% kế hoạch…

Chín tháng đầu năm tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức tăng bình quân chung cả nước (cả nước tăng 8,83%); chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần mức tăng bình quân cả nước; tổng thu ngân sách đạt trên 78.400 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 99 triệu tấn, tăng trên 9% so với cùng kỳ năm 2021…

Thành phố đã thành lập các Cụm công nghiệp: Dũng Tiến-Giang Biên (huyện Vĩnh Bảo), Quang Phục (huyện Tiên Lãng), An Thọ (huyện An Lão); khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Xuân Cầu; khởi công công trình Trung tâm Chính trị-Hành chính thành phố, hệ thống giao thông và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị Bắc sông Cấm; Trung tâm Hội nghị-Biểu diễn thành phố và hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tại Khu đô thị; Khu Nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai) phường Máy Chai và Cầu Tre, quận Ngô Quyền…góp phần nâng tầm vị thế và mở ra không gian, dư địa phát triển cho nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội của thành phố.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; an sinh xã hội được bảo đảm; quần đảo Cát Bà cùng với Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới.

Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, liên kết vùng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng nêu rõ thành phố có 2 lĩnh vực chưa như kỳ vọng là thu ngân sách, cả thu nội địa và thu thuế xuất nhập khẩu và chuyển đổi số.

Một góc Khu công nghiệp Nhật Bản-Hải Phòng ở huyện An Dương có diện tích 153ha, hiện đã lấp đầy 100% doanh nghiệp. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố khẳng định bằng mọi giải pháp thực hiện bằng được dự toán thu 42.500 tỷ đồng trong năm nay và yêu cầu ngành Thuế phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu được giao; thành phố sẽ đốc thúc các khoản thu tiền đất và tiền bán nhà.

Về chuyển đổi số, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ rõ còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, do đó yêu cầu các ngành, các đơn vị đã được phân bổ vốn khẩn trương hoàn thành các thủ tục để giải ngân. G

Về giải ngân vốn đầu tư công, Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các ngành Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Kho bạc cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, linh hoạt trong xử lý các nguồn vốn đầu tư công, đáp ứng yêu cầu tiến độ thực hiện các dự án. Các Ban Quản lý Dự án sẵn sàng hồ sơ, đẩy nhanh khối lượng thực hiện để khi có nguồn có thể giải ngân được ngay trong năm 2023./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục