Nhiều địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19

Tỉnh Tây Ninh chuyển cơ sở khám chữa bệnh công lập thành bệnh viện dã chiến, tỉnh An Giang tăng trách nhiệm người đứng đầu trong phòng chống dịch. Tỉnh Bạc Liêu và Gia Lai siết quy định chống dịch.
Nhiều địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh:TTXVN phát)

Ngày 26/7, Sở Y tế Tây Ninh có thông báo khẩn về chuyển tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh công lập thành bệnh viện dã chiến để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Cụ thể, tỉnh chuyển đổi công năng Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh và các Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố làm nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng quy mô 800 giường.

Ngoài ra, tỉnh còn trưng dụng hạ tầng của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Tây Ninh, Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh); Bệnh viện Đa khoa tư nhân Cao Văn Chí cũ (xã Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành) và tại Khu công nghiệp Thành thành Công (xã An Hòa, huyện Trảng Bàng) làm các bệnh viện dã chiến với tổng số 1.120 giường để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng, triệu chứng mức độ nhẹ.

Cùng với đó, tỉnh yêu cầu 2 bệnh viện tư nhân là Bệnh viện Xuyên Á Gò Dầu (huyện Gò Dầu) thực hiện khám chữa bệnh, cấp cứu cho người dân tại các các huyện Gò Dầu, Bến Cầu, Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng; còn Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng (thị xã Hòa Thành) thực hiện khám chữa bệnh cho người dân tại các các huyện Châu Thành, Tân Biên, Tân Châu, Hòa Thành và thành phố Tây Ninh.

Phó giám đốc Sở Y tế Tây Ninh Nguyễn Văn Cường cho biết huyện Dương Minh Châu vẫn là tâm dịch, phát sinh nhiều ca nhiễm mới; tại thị xã Trảng Bàng phát sinh nhiều ca nhiễm mới (tại Công ty Zhaowen thuộc Khu công nghiệp Trảng Bàng 11 ca); huyện Gò Dầu có các ca nhiễm tập trung tại công ty Billion (khu công nghiệp Phước Đông); hầu hết các ca dương tính SARS-CoV-2 gần đây đều mất vết nguồn lây.

Trong ngày 25/7 toàn tỉnh phát hiện thêm 159 ca dương tính với SARS-CoV-2, ba ca tử vong, nâng số ca đã tử vong từ đầu mùa dịch đến nay lên 7 ca.

[Các tỉnh phía Nam siết chặt biện pháp phòng, chống dịch COVID-19]

Tại An Giang, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang cho biết từ ngày 15/4 đến sáng 26/7, địa phương ghi nhận 230 ca mắc COVID-19.

Hiện tại, số ca mắc, nhất là trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang giảm mạnh; các điểm nóng xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng như An Phú, Châu Đốc, Châu Phú... đang được địa phương kiểm soát tốt.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, vẫn còn một số lãnh đạo địa phương chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, tận dụng thời gian giãn cách xã hội khẩn trương tổ chức xét nghiệm sàng lọc tại các vùng có nguy cơ, nguy cơ cao, nhóm đối tượng có nguy cơ cao như lái xe đường dài, liên tỉnh, tài công đường thủy, ghe xuồng... để tầm soát các ca F0, tách F0 ra khỏi cộng đồng. Qua đó, nhanh chóng làm sạch địa bàn, đẩy lùi dịch bệnh trong tỉnh trước ngày 28/7/2021.

Tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ người từ nơi khác đến địa phương. Địa phương nào để bùng phát dịch trong cộng đồng do nguyên nhân chủ quan thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và theo quy định của pháp luật.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Minh Hùng, trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu.

Để đảm bảo cho phương tiện lưu thông hàng hóa qua địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Phú Tân, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, tỉnh đã phân luồng xanh các tuyến đường quốc lộ để các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ tỉnh An Giang đến Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Tỉnh cũng tổ chức lộ trình luồng xanh 9 tuyến đường tỉnh để các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông nội tỉnh An Giang.

Nhiều địa phương tăng cường biện pháp phòng chống dịch COVID-19 ảnh 2Lực lượng chức năng Bạc Liêu vận động các chủ hộ kinh doanh ký cam kết trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn phường. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Tại Bạc Liêu, theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bạc Liêu, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, song trên thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa tuân thủ tốt, số lượng người ra đường vẫn còn đông, nhất là tại khu vực trung tâm của các huyện, thị xã.

Đặc biệt, theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đánh giá mức độ tuân thủ giãn cách xã hội, tỉnh Bạc Liêu đang nằm trong nhóm tuân thủ giãn cách xã hội kém nhất trong các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 16.

Nhằm chấn tỉnh tình trạng này, ông Phạm Văn Thiều chỉ đạo, từ ngày 26/7, tỉnh bổ sung danh mục dừng hoạt động đối với các loại hình: xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ (kể cả san lấp mặt bằng các công trình này); các hàng quán, quầy sạp buôn bán trên vỉa hè, lề đường, các hình thức bán hàng rong trên đường phố (kể cả bán các mặt hàng lương thực thực phẩm; các hoạt động thu tiền trực tiếp tại hộ gia đình đối với tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh thu gom rác, cước viễn thông; các hoạt động thể dục tại các khu vực công cộng và ngoài đường; hạn chế tối đa các trường hợp sử dụng xe 2 bánh để chở người, trừ người điều khiển phương tiện hoặc các hoạt động công vụ, tuần tra kiểm soát và chở người bệnh đi cấp cứu. Đặc biệt, tỉnh hạn chế tối đa người dân ra đường ban đêm (từ 18 giờ đến 5 giờ hôm sau).

Tại Gia Lai, trước tình hình dịch COVID-19 có dấu hiệu phức tạp, đặc biệt tại địa bàn thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã ghi nhận 6 ca mắc COVID-19, xác định có lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, Ủy ban nhân dân thành phố Pleiku đã quyết định triển khai áp dụng các nội dung theo Chỉ thị số 15/CT-TTg từ ngày 27/7/2021.

Cùng với thực hiện Chỉ thị số 15, thành phố tập trung công tác lấy mẫu xét nghiệm tập soát, sàng lọc các khu vực có liên quan dịch tễ với các ca mắc. Trong sáng 26/7, lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện lấy mẫu sàng lọc cho khoảng 700 tài xế.

Công tác xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 cũng được thành phố Pleiku quyết liệt triển khai thực hiện mang tính chất răn đe, kêu gọi người dân thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Tổ dân phố 1 (phường Tây Sơn), Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức toàn tỉnh.

Ông Hồ Văn Niên đề nghị Công an tỉnh xem xét khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh để cảnh tỉnh.

Tính từ 26/4 đến sáng 26/7, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận 31 trường hợp mắc COVID-19; trong đó có 5 ca đã khỏi bệnh và xuất viện, số còn lại đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục