Ngày 2/2, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ Trần Quốc Luận đã công bố quyết định của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh về việc chứng nhận Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật realtime RT-PCR.
Theo bác sỹ Trần Quốc Luận, đây vừa là niềm vinh dự cho toàn thể cán bộ, lãnh đạo, viên chức của Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ nhưng cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề. Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ là đơn vị thứ 3 trên địa bàn thành phố Cần Thơ được cấp Giấy Chứng nhận có đủ năng lực xét nghiệm khẳng định virus SARS-CoV-2 sau Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ (CDC) và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ được trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị y tế hiện đại cùng với đội ngũ bác sỹ có nhiều kinh nghiệm hứa sẽ quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao để không những giúp chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân của thành phố Cần Thơ mà còn cho cả người dân của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
[Tăng cường kiểm soát dịch bệnh và chăm lo Tết cho người dân]
Trong khi đó, tỉnh Kon Tum đã triển khai hoạt động lại các chốt kiểm tra và tổ liên ngành trên địa bàn huyện Ia H’Drai để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Đây là vị trí tiếp giáp với tỉnh Gia Lai - địa phương vừa phát hiện các ca dương tính với SARS-CoV-2.
Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tại chốt, đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, không bỏ sót người và phương tiện nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh để giám sát, quản lý, cách ly, điều trị kịp thời.
Ngoài ra, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Ia H’Drai thường xuyên kiểm tra hoạt động của chốt, đảm bảo hoạt động 24/24h, đạt hiệu quả cao và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng lơ là, bỏ ngỏ công tác kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện có nguy cơ lây nhiễm vào địa bàn.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Kon Tum cũng đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện quản lý người xâm nhập trái phép qua biên giới để sàng lọc, phân loại, điều tra, xác định hành vi vi phạm để chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Ủy ban nhân dân các huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai rà soát, thành lập các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn quản lý đảm bảo phục vụ công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên các huyện, phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc quyền rà soát, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục
Tại tỉnh Quảng Trị, lực lượng chức năng đã thành lập các chốt kiểm tra y tế tại các vị trí giáp ranh với tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên-Huế. Ngoài thành lập các chốt kiểm tra y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị cũng đã yêu cầu người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; khai báo y tế bắt buộc đối với người đến hoặc trở về từ vùng có dịch; giám sát chặt chẽ tại các khu vực biên giới đường bộ, đường biển, cửa khẩu, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép;
Tỉnh sẽ tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 và giám sát y tế đối với tất cả người dân Quảng Trị trở về từ các vùng có dịch kể từ ngày 1/1/2021. Riêng những công dân trở về từ thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) kể từ ngày 28/1/2021 thì phải cách ly tập trung. Tỉnh cũng yêu cầu dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người chưa cần thiết; trong trường hợp cần phải tổ chức thì người đứng đầu đơn vị phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định./.