Nhiều địa phương Nhật ủng hộ nối lại điện hạt nhân

54% lãnh đạo các địa phương trong phạm vi bán kính 30km xung quanh nhà máy điện hạt nhân nhất trí tái khởi động các lò phản ứng.
Theo điều tra của tờ Yomiuri số ra ngày 7/1, 54% lãnh đạo các địa phương trong phạm vi bán kính 30km xung quanh nhà máy điện hạt nhân sẽ nhất trí tái khởi động các lò phản ứng hoặc đồng ý có điều kiện sau khi Cơ quan Pháp quy hạt nhân (NRA) Nhật Bản khẳng định độ an toàn của các lò phản ứng.

Tỷ lệ khá cao này cho thấy tình trạng trì hoãn hoạt động các lò phản ứng hạt nhân kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế địa phương trong khi hoạt động sản xuất điện hạt nhân là ngành công nghiệp có vai trò then chốt đối với nhiều địa phương ở Nhật Bản.

Cuộc điều tra này được Yomiuri tiến hành vào tháng 12/2012 đối với lãnh đạo của 135 thành phố, thị trấn và làng mạc trong bán kính 30km quanh nhà máy, được xác định là khu vực ưu tiên cho việc tiến hành các biện pháp đối phó với một thảm hoạ hạt nhân.

Trong số 133 người trả lời, 6 người cho biết họ sẽ nhất trí nối lại hoạt động của các lò phản ứng trong khi 66 người cho biết họ sẽ nhất trí có điều kiện. Phần còn lại, 24 lãnh đạo (chiếm 18%) cho biết họ sẽ không đồng ý nối lại các lò phản ứng trong khi 37 người không trả lời hoặc trả lời không cụ thể.

NRA đã mở rộng bán kính khu vực ưu tiên – mà ở đó người dân sẽ được yêu cầu phải ở trong nhà hoặc được sơ tán ra khỏi khu vực nhằm tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ khi xảy ra sự cố hạt nhân – từ 8 lên 10km, 30km khi cơ quan này ban hành văn bản mới về chỉ dẫn quản lý thảm hoạ hồi tháng 10/2012.

Trong số những người trả lời ủng hộ nối lại điện hạt nhân có thị trưởng Suttsu, Hokkaido, nơi đặt nhà máy điện hạt nhân Tomari của Công ty điện lực Hokkaido (HEPCO). Thị trưởng thị trấn này cho biết ông đã lựa chọn điều này “vì mục tiêu cung ứng điện năng ổn định."

Những người đồng ý có điều kiện bao gồm cả thị trưởng Mutsu, tỉnh Aomori, và Sasebo, tỉnh Nagasaki, nằm gần các nhà máy điện Higashidori của Công ty điện lực Tohoku (TEP) và nhà máy Genkai của Công ty điện lực Kyushu (KEPCO).

Thị trưởng Mutsu cho biết: “Hoạt động của các lò phản ứng cần được nối lại dựa trên quan điểm tái sinh ngành công nghiệp vì nhiều lý do khác nhau”. Về phần mình, thị trưởng Sasebo khẳng định: “Chính phủ cần cung cấp cho người dân địa phương những giải thích cụ thể về lý do tại sao các lò phản ứng hạt nhân (sắp được khởi động) không có vấn đề gì về độ an toàn."

[Nhật Bản tiếp tục thi công các nhà máy điện hạt nhân]

Khi được hỏi là lựa chọn những điều kiện cho khởi động các lò phản ứng hạt nhân – nằm trong phần lựa chọn nhiều câu trả lời, 50 trong số 66 lãnh đạo cho biết chính quyền trung ương cần có quyết định cuối cùng về tái khởi động các lò phản ứng trong khi 42 người lựa chọn phương án phải được sự chấp thuận và đồng tình của chính quyền địa phương xung quanh các lò phản ứng. 37 người cho biết sự đồng thuận của người dân địa phương là hết sức cần thiết.

Mặt khác, những người không nhất trí gồm có lãnh đạo thị trấn Yoshida, tỉnh Shizuoka, nằm gần nhà máy điện hạt nhân Hamaoka của Công ty điện lực Chubu (CEPCO). Thị trưởng thị trấn này cho biết: “Một sự cố hạt nhân sẽ có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sinh mạng của chính người dân."

Hiện nay, toàn bộ hoạt động của 50 lò phản ứng vẫn đang bị trì hoãn, ngoại trừ hai lò phản ứng của nhà máy Oi của Công ty điện lực Kansai ở tỉnh Fukui. NRA sẽ biên soạn các tiêu chuẩn an toàn mới sớm nhất là vào tháng 7/2013, dựa trên những bài học thu được từ cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện Fukushima số 1 của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) trước khi có những kiểm tra và đánh giá về độ an toàn của các lò phản ứng đang tạm ngừng hoạt động./.

Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục