Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ năm nay (2/4), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố Hạ Long sẽ tổ chức thắp đèn xanh tại cầu Nhật Tân và hai công viên của Sun Group đầu tư (Sun World Danang Wonder và Sun World Halong Complex) nhằm ủng hộ chương trình: “Ngày thế giới nhận biết về chứng tự kỷ.”
Dự kiến, các công trình trên sẽ thực hiện việc chiếu đèn xanh lam để thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với người mắc khuyết tật tự kỷ. Chương trình hướng tới việc sẽ được tổ chức thành hoạt động thường niên.
[‘Những ô cửa chênh vênh’: Hy vọng khởi sinh từ những khiếm khuyết]
Mục đích của chương trình thắp đèn xanh ở Việt Nam là có thêm tiếng nói từ các tổ chức, doanh nghiệp để "Thấu hiểu – Thông cảm và Tôn trọng" người khuyết tật nói chung và người mắc chứng tự kỷ nói riêng.
Từ năm 2015, dự án tình nguyện "Vòng tay tự kỷ" do một nhóm phụ huynh tự tổ chức chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (WAAD), sự kiện thắp đèn xanh và các vấn đề liên quan đến người tự kỷ ở Việt Nam. Chiến dịch này đã thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham gia.
Màu xanh lam (blue) là màu cơ bản trong quang phổ được người tự kỷ nhận biết dễ nhất trong các màu. Được khởi xướng từ 2010 với hơn 100 công trình kiến trúc ở Bắc Mỹ nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với chứng tự kỷ, người mắc chứng tự kỷ, thắp đèn xanh được Autism Speak tham gia, lên format Light it Up Blue và sau đó được sử dụng toàn cầu.
Ngày 18/12/2007, Đại hội đồng Liên hợp quốc năm thứ 62 thông qua nghị quyết A/RES/62/139. Theo đó, ngày 2/4 hàng năm, bắt đầu từ 2008, được gọi là Ngày thế giới nhận thức về chứng tự kỷ (WAAD).
Nghị quyết này cũng kêu gọi các quốc gia thành viên, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức thuộc khu vực tư cũng như công thực hiện việc nâng cao nhận thức về tự kỷ trong xã hội.
Tự kỷ được xác định là khuyết tật suốt đời. Cho đến nay, các nguyên nhân chính xác của nó vẫn còn chưa rõ ràng, tuy nhiên, quan điểm phổ biến nhất là do yếu tố gene dưới tác động của môi trường độc hại gây ra.
Thực tiễn trên thế giới cho thấy nếu không được can thiệp sớm và đúng cách, trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ mãi mãi không thể hòa nhập được với cộng đồng, ở tuổi trưởng thành nhưng người tự kỷ vẫn chỉ như những đứa trẻ 2 hoặc 3 tuổi, không thể học được các kỹ năng sống cơ bản, cần thiết, cũng không thể tự phục vụ bản thân.
Trong lúc y học và giáo dục chưa tìm được giải pháp tối ưu đối với dạng khuyết tật này, mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi cộng đồng có nhận thức chưa đúng đắn. Họ bị quy kết là hư hỏng, lười, thậm chí là điên; các phụ huynh bị cho là không quan tâm đến con cái, vô trách nhiệm…
Có hàng loạt trẻ mắc chứng tự kỷ bị từ chối tại các trường học các cấp vì không thể tập trung học tập, không hiểu, không tương tác được với thầy cô, bè bạn. Không những thế, người mắc chứng tự kỷ còn bị lạm dụng bởi những biện pháp trị liệu không có cơ sở khoa học, rất tốn kém nhưng không thể thuyên giảm khuyết tật.
Hàng năm vào ngày 2/4, Autism Speaks – một tổ chức bênh vực người tự kỷ ở Hoa Kỳ có chiến dịch toàn cầu “Thắp đèn xanh - Light It Up Blue - LIUB” nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng đối với khuyết tật tự kỷ và lời kêu gọi của Liên hợp quốc về Ngày thế giới nhận thức chứng tự kỷ.
Hàng nghìn các tòa nhà nổi tiếng, trường học, cơ quan và gia đình trên khắp thế giới đều đồng loạt thắp đèn xanh vì hàng triệu người và các gia đình có liên quan đến chứng tự kỷ.
Năm 2016, tòa nhà nổi tiếng như Tòa nhà cao nhất thế giới - Burj Khalifa ở Dubai và toà tháp Petronas ở Malaysia cũng đã thắp đèn xanh lần đầu tiên./.