Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26), sáng 20/1, các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thảo luận về chủ đề tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguồn lực cho phát triển bền vững, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu
Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu chỉ rõ Quốc hội và nghị sỹ các nước châu Á-Thái Bình Dương nhận thức sâu sắc về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, các nước châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, thông qua nhiều chương trình, dự án cấp quốc gia nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương cũng thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris.
[APPF nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nghị viện]
Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong cho biết thời gian qua, IPU đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) xây dựng bộ công cụ tự đánh giá cho các nghị viện thành viên để rà soát, nhận diện được "lỗ hổng" trong thể chế; từ đó đưa ra những biện pháp thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đồng thời thể hiện cam kết đối với việc xử lý tác động của biến đổi khí hậu.
Theo ông Martin Chungong, các quốc gia cần quan tâm nhiều hơn đến y tế công cộng; khai thác nguồn năng lượng khác thay vì sử dụng nguyên liệu hoá thạch đồng thời giáo dục cộng đồng về vấn đề sức khoẻ... để ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Thảo luận tại phiên họp, các nghị sỹ cho rằng nếu không có hành động cụ thể, biến đổi khí hậu có thể khiến người dân gặp rủi ro, nguy hiểm cho nhiều hộ gia đình và nguồn thu của chính phủ, gia tăng nghèo đói, vì thế gây nên sự bất ổn về xã hội, trầm trọng tình trạng bất bình đẳng. Vì thế, các quốc gia thành viên cần phải nhận diện những cơ hội cho phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu, từ đó tạo thuận lợi cho các nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời yêu cầu có hành động cấp bách của các quốc gia và các bên liên quan, trong đó nghị viện giữ vai trò chủ chốt.
Các đại biểu đánh giá cao vai trò của APPF trong việc hỗ trợ hoàn thành những hành động trong các Kế hoạch quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhiều ý kiến nhấn mạnh cần tăng cường xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật quốc tế và giám sát việc thực thi pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu; hài hòa hệ thống pháp luật quốc gia bảo đảm phù hợp với các cam kết của ASEAN về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu cũng phân tích về việc ưu tiên phân bổ nguồn lực và ngân sách, quyết định các kế hoạch, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế, dự án đầu tư quan trọng; huy động tối đa nguồn tài chính để đầu tư vào các dự án liên quan đến công nghệ sạch, công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Nhiều ý kiến đề cập đến việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu như hợp tác về trao đổi thông tin, dự báo, cảnh báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo...
Tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, đóng góp tài chính
Việc huy động các nguồn tài trợ, nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình nghị sự phát triển bền vững là một vấn đề then chốt, phần nào quyết định sự thành công của Mục tiêu phát triển bền vững. Những nguồn lực vốn có và cần phải bổ sung thêm của khu vực công, khu vực tư, ở cấp quốc gia, quốc tế góp phần quan trọng để đạt được những mục tiêu toàn cầu.
Thông qua chức năng quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách, nghị viện giữ vai trò quyết định thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các nghị viện phải đảm bảo đưa những cam kết quốc gia và các ưu tiên phát triển bền vững vào quy trình lập ngân sách.
Những thỏa thuận quốc tế giúp nghị viện nhận diện những mục tiêu mới trong từng giai đoạn, giám sát những khuôn khổ hợp tác cấp quốc gia và khu vực về tài chính vì phát triển bền vững. Bên cạnh đó, nghị viện phải tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, thực hiện và đánh giá mức đóng góp tài chính của mỗi quốc đối với mục tiêu ứng phó toàn cầu đối với biến đổi khí hậu.
Đại biểu Quốc hội Nhân đại Trung Quốc Đậu Thụ Hoa cho rằng thế giới đang có biến chuyển sâu sắc, đối mặt với thiếu thốn nguồn lực, vì thế phải có chiến lược phát triển toàn diện ở khu vực cũng như quốc tế. Theo đó, các quốc gia cần tăng cường sự sẵn sàng phối hợp, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường, giảm gánh nặng nợ, đóng góp vào sự phát triển thế giới; tăng cường hợp tác đa phương, quản trị tài chính để hỗ trợ phát triển.
Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đa văn hóa với tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Do đó, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực và của mỗi quốc gia, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.
Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm về hành động của nghị viện nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác về văn hóa và du lịch; những biện pháp để nghị sỹ có thể tham gia, kết nối tốt hơn với cử tri của mình trong lĩnh vực này./.