Nhiều đề xuất mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại ITU

Nhiều đề xuất mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại ITU Busan

Tại Hội nghị Liên minh Viễn thông quốc tế, nhiều đề xuất trong lĩnh vực công nghệ thông tin được đưa ra, đáng chú ý là các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách số thông qua truy cập băng thông rộng.
Quang cảnh Hội nghị ITU tại Busan, Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap News)

Ngày 4/11, tại phiên họp toàn thể của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) đang diễn ra tại thành phố Busan, phía nam Hàn Quốc, nước chủ nhà đã đưa ra đề xuất “Kết nối 2020” trong đó đề cập tới các giải pháp nhằm thu hẹp khoảng cách số thông qua truy cập băng thông rộng trên phạm vi toàn cầu.

Đề xuất “Kết nối 2020” được đưa ra trên tinh thần Tuyên bố Busan được thông qua tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về Công nghệ thông tin và Truyền thông các nước thành viên ITU do Bộ Khoa học Công nghệ thông tin và Kế hoạch tương lai Hàn Quốc tổ chức ngày 19/10 tại Busan, trong đó đánh giá cao vao trò tương lai của viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông đối với sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, “Kết nối 2020” còn bao hàm nhiều nội dung cốt lõi được hoạch định trong “Kế hoạch Chiến lược ITU giai đoạn 2016-2019,'' trong đó đề ra các mục tiêu phát triển công nghệ thông tin ở tiêu chuẩn cao và khuyến khích sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên ITU và các tổ chức khác có liên quan để đạt được các mục tiêu này.

Theo nhận định của phái đoàn Hàn Quốc tham dự kỳ họp, đề xuất trên đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các thành viên ITU, cả các nước phát triển và đang phát triển, và dự kiến sẽ được chính thức thông qua trước phiên bế mạc Hội nghị toàn thể ITU vào ngày 7/11 sắp tới.

Trước đó, trong phiên họp toàn thể ngày 3/11, các đại biểu cũng đã nhất trí thông qua đề xuất của Hàn Quốc về xúc tiến phát triển "Mạng Internet của đồ vật" (Internet of Things - IoT) với tầm nhìn hướng đến một thế giới nơi các đối tượng hữu hình có thể kết nối với nhau.

Theo đề xuất trên, các nước thành viên ITU sẽ nỗ lực để phát triển và ứng dụng công nghệ IoT trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông, phúc lợi xã hội, nông nghiệp và cả các lĩnh vực “phi công nghệ thông tin;'' khuyến khích sự trao đổi thông tin giữa các tổ chức có liên quan; đồng thời nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực IoT.

IoT được hình thành dựa trên nền tảng “công nghệ điện toán đám mây” (cloud – computing” hay còn được gọi là “công nghệ xử lý dữ liệu lớn” (big-data technology), trong đó các đối tượng hữu hình sẽ được kết nối và trao đổi thông tin với nhau trên nền tảng internet, từ đó hình thành các giải pháp “siêu kết nối” (hyper-connected) và giúp tạo ra các cơ hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục