Nhiều dấu hỏi xung quanh kế hoạch kích thích kinh tế của Canada

Các chuyên gia tài chính đang ngày càng nghi ngại về kế hoạch của Chính phủ Canada chi tới 100 tỷ CAD cho các biện pháp kích thích kinh tế sau đại dịch và cảnh báo về rủi ro của kế hoạch này.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Canada, bà Chrystia Freeland. (Ảnh: THE CANADIAN PRESS/TTXVN)

Các chuyên gia tài chính đang ngày càng nghi ngại về kế hoạch của Chính phủ Canada chi tới 100 tỷ CAD (gần 80 tỷ USD) cho các biện pháp kích thích kinh tế sau đại dịch và cảnh báo rằng gánh nợ chồng chất có thể sẽ gây rủi ro nhiều hơn là đem lại lợi ích.

Báo cáo của nhóm các nhà lãnh đạo kinh tế hàng đầu do Viện C.D. Howe tổ chức đã cảnh báo rằng Chính phủ Canada chỉ nên phê duyệt gói kích thích kinh tế trong trường hợp thực sự cần thiết. Cảnh báo này cũng phù hợp với những bình luận tương tự được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra trong tuần này.

Các nhà kinh tế cấp cao cho biết thông điệp của họ gửi tới Chính phủ Canada đó là: có thể không cần tới một gói kích thích quy mô lớn như vậy. Cựu Bộ trưởng Tài chính của tỉnh Saskatchewan, Janice MacKinnon cho biết chính phủ nên kìm hãm việc tăng chi tiêu để có thể ứng phó với những bất ổn, chẳng hạn như một làn sóng thứ ba của dịch bệnh, lạm phát cao hơn hoặc cuộc suy thoái tiếp theo.

Kế hoạch chi từ 70-100 tỷ CAD cho gói kích thích kinh tế trong ba năm là "điểm đinh" trong báo cáo ngày 30/11/2020 của Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland, với ước tính thâm hụt ngân sách của liên bang trong năm nay sẽ lên tới gần 400 tỷ CAD.

[Chỉ số lòng tin của giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ cao nhất 17 năm]

Bà Freeland cho biết, chìa khóa của kế hoạch kích thích này sẽ là các khoản đầu tư thông minh, có giới hạn thời gian, có thể hành động nhanh và đóng góp lâu dài cho sự thịnh vượng chung trong tương lai, cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, năng lực cạnh tranh và sự chuyển đổi xanh của nền kinh tế.

Robert Asselin, phó Chủ tịch về chính sách của Hội đồng Kinh doanh Canada cho rằng bất kỳ khoản chi tiêu bổ sung nào cũng cần phải đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, chẳng hạn như tăng tài trợ cho chăm sóc trẻ em là một ví dụ về việc chi tiêu sẽ tạo ra lợi ích lâu dài.

Trong khi đó, mặc dù IMF nhìn chung ủng hộ các biện pháp tài chính của Canada, nhưng cho rằng cam kết của chính phủ liên bang Canada dành tới 4% GDP trong ba năm để hỗ trợ kinh tế phục hồi, cần được giải trình rõ ràng hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục