Nhiều đại biểu tán thành việc gia hạn nợ tái cấp vốn cho Vietnam Airlines

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động và Tổng Công ty này có khả năng phá sản.

Quang cảnh Phiên thảo luận của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Quang cảnh Phiên thảo luận của Quốc hội. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, chiều 26/6, cho ý kiến về phương án gia hạn trả nợ đối với các khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với vấn đề gia hạn nợ tái cấp vốn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Phân tích bối cảnh, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt là tại Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình vận tải, du lịch quốc tế và nhiều hãng hàng không trên thế giới đã rơi vào khủng hoảng. Doanh thu của Vietnam Airlines giảm sút một cách nghiêm trọng và đã lỗ 8.743 tỷ đồng.

Trước tình hình này, Vietnam Airlines có thể sẽ mất khả năng thanh toán, có thể bị hủy niêm yết và ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước tham gia trong Vietnam Airlines. Hiện nay, mức vốn nhà nước tham gia ở đây khoảng 19.000 tỷ đồng.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã đồng ý theo Tờ trình của Chính phủ và cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn, gia hạn không quá 2 lần.

Tuy nhiên, đến năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục phát triển phức tạp và gây hậu quả nặng nề ở Việt Nam, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỷ đồng và năm 2022 lỗ tiếp là 8.841 tỷ đồng, mặc dù kế hoạch đưa ra lỗ chỉ 35 tỷ đồng và năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỷ đồng.

"Như vậy, qua 4 năm Vietnam Airlines lỗ trên 32.000 tỷ đồng. Do đó, so với vốn chủ sở hữu khoảng 22.000 tỷ đồng thì Vietnam Airlines tiếp tục âm trên 8.000 tỷ đồng. Với tình hình này, nếu chúng ta không cho Vietnam Airlines gia hạn nợ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản. Cho nên, để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, tôi tiếp tục đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần trong 5 năm," đại biểu cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Ngân, vốn Vietnam Airlines đang vay tái cơ cấu là 4.000 tỷ đồng, so với khoản nợ của Vietnam Airlines hiện nay lên tới khoảng 58.000 tỷ đồng, như vậy khoản này cũng rất ít.

Để có một giải pháp căn cơ, đảm bảo sự phát triển bền vững của Vietnam Airlines trong thời gian tới, ông đề nghị Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tái cơ cấu nợ, trong đó phải giảm nợ ngắn hạn bằng cách tiếp tục tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu.

Cùng với đó, phải tạo điều kiện cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp để thay thế cho nguồn vốn ngắn hạn hiện nay.

"Ngành hàng không của Việt Nam rất cần sự hỗ trợ không chỉ đối với Vietnam Airlines. Chúng ta cần xem xét đến gói tái cấp vốn cho các doanh nghiệp hàng không Việt Nam nhưng các tập đoàn đó phải có tài sản thế chấp và có phương án kinh doanh hiệu quả. Chúng ta chỉ tái cấp vốn với lãi suất thấp," đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh nói.

ttxvn_ong tran hoang ngan 1.jpg
Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Nêu quan điểm “vì Vietnam Airlines là đơn vị của Nhà nước, con đẻ và là thương hiệu của quốc gia cho nên bây giờ lỗ thì phải đầu tư," song đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) băn khoăn với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân về vấn đề mua bán cổ phần.

"Nói thật lỗ thì các nhà đầu tư không mua mà giả sử người ta có mua thì phải hạ cổ phiếu rất thấp... Trái phiếu đến ngày tháng mà không trả thì người ta đòi lại còn còn mất trật tự xã hội nữa, mà người ta không mua khi ông đang lỗ. Cho nên hướng bán cổ phần với phát hành trái phiếu tôi nghĩ là thôi. Giờ Nhà nước phải tập trung vào làm sao để tái cấp vốn cho họ," ông Thân tranh luận.

Ông cũng nêu con số qua kiểm toán của hãng Vietjet mới đây có mức lãi 600 tỷ đồng trong khi Vietnam Airlines “trước COVID cũng lỗ, trong COVID cũng lỗ” và “đến bây giờ vẫn lỗ." Đại biểu này đề nghị tìm hiểu "tại sao Vietnam Airlines cứ lỗ," nguyên nhân từ đâu.

“Giả sử như bây giờ chúng ta cấp, Vietnam Airlines tiếp tục lỗ thì sao. Câu hỏi dứt khoát phải đặt ra và chúng ta phải căn cơ, thấu đáo để có bài toán, bây giờ báo lỗ xong lại lấy tiền ra đưa, xong lại lỗ tiếp thì nguy hiểm quá," đưa ra vấn đề này, đại biểu tỉnh Thái Bình đề nghị Vietnam Airlines “phải cố gắng làm sao tinh giản biên chế."

Ông cũng không quên cảnh báo rằng “nếu chúng ta không có lời giải này thì rất nguy hiểm và hệ lụy về sau không lường được," phải tái cấp vốn cho Vietnam Airlines và Nhà nước phải bỏ tiền ra.

Cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn của Vietnam Airlines, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nhận định giải pháp này chỉ là giải pháp ngắn hạn giúp cho Tổng Công ty tạm thời có dòng tiền ổn định, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong một thời gian ngắn.

ttxvn_dai bieu dang bich ngoc.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Các giải pháp tái cơ cấu tài chính nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên mới là giải pháp căn cơ, giải quyết được hai mục tiêu vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt dòng tiền, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu.

"Khi năng lực tài chính của Tổng Công ty được cải thiện, Tổng Công ty sẽ có nguồn lực dài hạn để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững chắc để doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt là dự án liên quan đến Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, đây là căn cứ chính để Tổng Công ty thực hiện trọng trách của hãng hàng không quốc gia và tiếp tục vươn tầm mạnh mẽ ra thế giới," bà Ngọc nói.

Bà đề nghị Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tiếp tục nghiên cứu thực hiện các giải pháp, cơ cấu lại tổ chức doanh nghiệp, rà soát tất cả các quy trình hoạt động của từng khâu để cắt giảm tối đa chi phí nhưng vẫn đảm bảo an toàn bay và tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ hàng không để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, trong lúc Vietnam Airlines khó khăn, Quốc hội đã có chủ trương cho vay tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu thông qua SCIC. Hai gói hỗ trợ này giúp Vietnam Airlines rất nhiều.

Trong quá trình tổ chức thực hiện cũng có cải thiện tình hình, năm 2024, hoạt động kinh doanh có lãi, tuy nhiên cũng tiếp tục hỗ trợ cho Vietnam Airlines.

Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ tiếp thu ý kiến, sẽ tiếp tục chỉ đạo Vietnam Airlines, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan phê duyệt đề án tổng thể, xây dựng các phương án thực sự khả thi, hiệu quả để đáp ứng được kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội, đặc biệt liên quan tới trách nhiệm và lời hứa trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp Quốc hội đã có chủ trương, đồng thời cải thiện tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục