Nhiều đại biểu kiến nghị QH giám sát tối cao vấn đề chống lãng phí

Nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với Chuyên đề 1 về thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị Quốc hội đưa Chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Sáng 21/7, Quốc hội nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022.

Các chuyên đề gồm: Chuyên đề 1 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021; Chuyên đề 2 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành; Chuyên đề 3 - Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021; Chuyên đề 4 - Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

[Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề xuất giám sát 4 chuyên đề]

Trong số 4 chuyên đề này, Quốc hội sẽ lựa chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát và báo cáo Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cũng khuyến nghị hai chuyên đề còn lại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đưa vào chương trình giám sát hoặc giải trình.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đối với Chuyên đề 1 về thực hiện chính sách, pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị Quốc hội đưa Chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (tỉnh Nam Định) chia sẻ ý kiến của mình, nhấn mạnh về ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm điện.

“Tôi từng nghe lãnh đạo ngành điện chia sẻ rằng khi một gia đình tiết kiệm điện, tắt bớt những thiết bị không cần thiết thì hành động này không chỉ làm giảm chi phí cho gia đình mình mà phần điện không dùng tới sẽ làm lợi cho cộng đồng, cho những gia đình khác. Đối với điện, chúng ta không nên có quan niệm rằng tôi trả tiền thì tôi có quyền dùng thoải mái,” đại biểu cho biết.

Từ đó, ông Nguyễn Hải Dũng cũng rút kinh nghiệm cho mình và gia đình, thực hành tiết kiệm điện.

“Mỗi người dân tiết kiệm thì đất nước sẽ phồn vinh. Chúng ta cần tuyên truyền để người dân ý thức được rằng tiết kiệm, chống lãng phí là làm lợi cho gia đình mình, cho cộng đồng và xã hội,” đại biểu nói thêm.

Trong khí đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), hiện nay việc quản lý sử dụng tài sản công để xảy ra rất nhiều vi phạm.

“Tài sản công bị chuyển hóa từ công sang tư bằng nhiều thủ đoạn như chuyển đổi mục đích sử dụng, đấu giá trá hình. Chúng ta chưa có những đợt giám sát cao trào, chỉnh đốn lại công tác quản lý sử dụng tài sản,” đại biểu cho biết.

Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần chú trọng đến công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ: “Cần xốc lại đội hình, nâng cao chất lương bộ máy lãnh đạo ở các địa phương. Có như vậy thì chúng ta mới có thể thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng, mục tiêu 5 năm, đáp ứng nguyện vọng nhân dân và có được sự tin tưởng của cử tri,” ông nói thêm.

Nhiều đại biểu kiến nghị QH giám sát tối cao vấn đề chống lãng phí ảnh 1Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Phương Thuỷ phát biểu ý kiến. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đồng tình vói việc đưa Chuyên đề 1 vào nội dung giám sát tối cao, song đại biểu Nguyễn Phương Thúy (Hà Nội) cho rằng hiện nay nội dung tiết kiệm, chống lãng phí bao trùm tài sản công, mua sắm công, dịch vụ sự nghiệp công… là quá rộng và dàn trải.

“Hiện nay, trong luật pháp đã quy định rất nhiều mục về sử dụng vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Do đó, tôi kiến nghị rằng nội dung giám sát cần tinh gọn hơn chứ không thể ôm đồm tất cả các vấn đề như trong dự kiến. Nhất là với thời hạn Quốc hội xác định trong năm 2022 và dựa trên nguồn lực thực tế thì phạm vi để giám sát hiện nay quá rộng,” đại biểu chia sẻ ý kiến.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng nội dung Chuyên đề cần cô đọng hơn để thực hiện giám sát hiệu quả; trong đó nên chọn những vấn đề mà người dân đang bức xúc và quan tâm nhất. Đại biểu cũng nói thêm rằng, bên cạnh việc giám sát thì công tác hậu giám sát cũng vô cùng quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục