Nhiều công nhân ngành than đạt mức thu nhập "khủng" 600 triệu đồng một năm

Bình quân năm 2023, công nhân lao động dưới hầm lò của TKV có mức lương 24 triệu đồng/tháng; trong đó, có hơn 9.000 thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, thậm chí đạt 600 triệu đồng/năm.

Khoan thăm dò tại Công ty than Thống Nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Khoan thăm dò tại Công ty than Thống Nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết Tập đoàn có hơn 9.000 công nhân trực tiếp lao động dưới hầm lò đạt mức thu nhập từ 300 triệu đồng/năm; trong đó, nhiều lao động có mức thu nhập đạt 600 triệu đồng/năm, tương đương 50 triệu đồng/tháng.

Cụ thể theo TKV, bình quân năm 2023, công nhân lao động dưới hầm lò của TKV có mức lương “nghìn đô” 24 triệu đồng/tháng; trong đó, có hơn 9.000 thợ lò có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, chiếm 38% tổng số thợ lò, tăng 30% so với năm 2022. Đời sống vật chất, tinh thần của người lao động toàn ngành được cải thiện rõ rệt.

Những đơn vị có nhiều thợ lò có thu nhập cao của TKV có thể kể đến như Công ty Than Vàng Danh, Than Dương Duy, Than Hà Lầm, Than Mạo Khê, Uông Bí…

Công ty than Mạo Khê có hơn 400 công nhân thu nhập từ 400-500 triệu đồng/năm, gần 200 công nhân thu nhập từ 500-600 triệu đồng/năm và đáng chú ý, có 10 công nhân đạt thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm…

Còn Công ty Cổ phần Than Vàng Danh có gần 2.000 thợ lò đạt mức thu nhập từ 300 triệu đồng/người trở lên trong năm 2023; trong đó, có 3 thợ lò thu nhập trên 600 triệu đồng/người/năm; 86 thợ lò có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/người/năm và 347 thợ lò đạt mức thu nhập trên 400 triệu đồng/người/năm.

Tại vùng Cẩm Phả, Công ty Than Dương Huy cũng có khoảng 1.500 thợ lò có mức thu nhập từ 300 triệu đồng/người trở lên trong năm 2023, trong đó có 3 thợ lò đạt mức thu nhập khoảng 600 triệu đồng/người/năm; khoảng 20 người có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/người/năm…

Lãnh đạo TKV cho hay thời gian qua, TKV đã dành nguồn lực lớn để cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, vận chuyển cho thợ lò, nâng cao thời gian sản xuất hữu ích trong ca, giải phóng sức lao động cho công nhân, tạo điều kiện tối đa để người lao động nâng cao năng suất và tăng thu nhập.

Sở dĩ TKV có điều kiện để thực hiện các giải pháp tổng thể cải thiện điều kiện làm việc và tăng lương cho người lao động là do những năm gần đây hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV có tăng trưởng, hiệu quả.

Đặc biệt năm 2023, dù có nhiều khó khăn, biến động, nhưng được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự chủ động, linh hoạt trong xử lý các vướng mắc, TKV đã hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Doanh thu toàn Tập đoàn năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn khoảng 7.800 tỷ đồng, tăng 56% kế hoạch năm, trong đó, lợi nhuận trước thuế của Công ty mẹ TKV ước đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 34,9% so với kế hoạch năm.

Theo kết luận thanh tra của Bộ Tài chính, TKV đảm bảo hiệu quả hoạt động, các hệ số tài chính tiếp tục được duy trì trong phạm vi an toàn.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản bình quân (ROA) năm 2023 toàn Tập đoàn đạt 5,22% và của Công ty mẹ TKV là 4,86%. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) năm 2023 của TKV là 12,86%.

ROE của Công ty mẹ TKV là 10,10%, cao hơn 2,2% so với số kế hoạch được Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp giao.

Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hợp nhất toàn Tập đoàn năm 2023 là 1,2 lần, giảm 0,27 lần so với năm 2022, của Công ty Mẹ TKV là 0,87, giảm 0,21 lần so với năm 2022.

Hệ số nợ của TKV thấp hơn nhiều so với quy định tối đa ≤ 3,0 lần. Hệ số khả năng thanh toán năm 2023 là 1,14 lần, tăng 0,02 lần. Vốn Nhà nước trong kỳ được bảo toàn và phát triển. Hệ số bảo toàn vốn năm 2023 của Công ty mẹ TKV là 1,03 lần.

Năm 2023, tổng số nộp ngân sách của TKV là 29.118 tỷ đồng, bằng 114,19% kế hoạch năm và bằng 134,72% so với cùng kỳ.

Đây là số tiền nộp Ngân sách Nhà nước cao kỷ lục của Tập đoàn kể từ khi thành lập đến nay, đóng góp vào tăng trưởng GDP chung cho cả nước.

Bằng một loạt giải pháp tổng thể cải thiện điều kiện làm việc, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, thu nhập của công nhân lao động hầm lò TKV đã “chạm đích” nghìn đô/người/tháng.

Cùng với đó, chất lượng cuộc sống của thợ mỏ cũng được nâng cao rõ rệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục