Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, sản lượng yến sào của tỉnh từ đầu năm đến nay đạt gần 13 tấn, bằng 70% kế hoạch năm 2021.
Hiện nay, toàn tỉnh có 2.828 hộ với 2.995 nhà nuôi chim yến, tổng diện tích sàn nuôi 730.630m2.
Các địa phương có số hộ nuôi chim yến nhiều như: hai thành phố Rạch Giá và Hà Tiên, các huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Châu Thành…
Tùy thời điểm cung cầu thị trường và chất lượng, sản phẩm yến sào thô có giá dao động 15-25 triệu đồng/kg, sản phẩm yến sào tinh đóng hộp giá 35-50 triệu đồng/kg.
[Tìm giải pháp phát triển bền vững ngành nghề nuôi yến ở phía Nam]
Nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận độc quyền thương hiệu yến sào, là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi chim yến bền vững, hiệu quả và tăng giá trị sản phẩm yến sào Kiên Giang trên thị trường.
Thời điểm này, tình hình dịch COVID-19 đang trong chiều hướng giảm và trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống đang dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh yến sào ở tỉnh Kiên Giang hoạt động trở lại, thu mua, sơ chế, chế biến sản phẩm yến, đảm bảo các điều kiện, quy định phòng chống dịch bệnh an toàn, góp phần giải quyết việc làm và thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Những năm gần đây, nghề nuôi chim yến ở tỉnh Kiên Giang phát triển khá mạnh, có nhiều hộ dân đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng để nuôi chim yến.
Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế này đã và đang tồn tại những hạn chế, bất cập như nuôi chim yến gần như mang tính tự phát, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo chuỗi ngành hàng; chưa có thị trường ổn định; ô nhiễm tiếng ồn phát ra từ thiết bị dẫn dụ chim yến, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị và đời sống của người dân trong khu vực chưa được khắc phục…
Nhằm khai thác tốt tiềm năng, hiệu quả nghề nuôi chim yến, tỉnh Kiên Giang quy hoạch nuôi thích hợp với từng khu vực, vùng sinh thái, các yếu tố tự nhiên để chim yến trên địa bàn tỉnh không những duy trì ổn định mà còn phát triển thêm bầy đàn, số lượng ngày càng tăng lớn hơn, tạo ra sản phẩm yến sào chất lượng, đem lại giá trị kinh tế cao.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng tỉnh và các ngành có liên quan, địa phương tăng cường quản lý, sắp xếp nghề nuôi chim yến một cách hợp lý, hạn chế tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cảnh quan đô thị.
Tỉnh thực hiện các biện pháp bảo vệ, phát triển quần thể chim yến, xây dựng cơ chế quản lý nuôi chim yến.
Chính vì vậy, cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ người nuôi chim yến về kỹ thuật, liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất, chế biến tăng cao giá trị đến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm yến sào trên thị trường và xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm yến sào./.