Nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài với thu nhập cao trong năm 2023

Trong năm 2023, nhiều quốc gia ở châu Âu có kế hoạch tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc, mở ra thêm cơ hội có việc làm tốt, thu nhập cao cho lao động Việt Nam.
Lao động Việt Nam làm điều dưỡng tại Nhật Bản. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Năm 2023, ngoài cơ hội đi làm việc tại các thị trường truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc..., lao động trẻ có tay nghề sẽ có thêm nhiều cơ hội sang làm việc tại các thị trường châu Âu, Australia, Canada… với mức thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

Cơ hội rộng mở

Năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa khoảng 110.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất.

Hiện nay, lao động đi làm việc ở Nhật Bản chiếm khoảng 50% số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản năm 2022, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã bày tỏ mong muốn phía Nhật Bản điều chỉnh chế độ tiền lương tối thiểu, trợ cấp đối với người lao động, thực tập sinh Việt Nam cũng như các quốc gia khác trong bối cảnh đồng Yên Nhật đang mất giá, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị phía Nhật Bản xem xét mở rộng, tiếp nhận thêm các ngành nghề như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, lái xe buýt; các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định, tiếp nhận điều dưỡng viên chăm sóc người cao tuổi hay việc miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho thực tập sinh Việt Nam.

Đại diện các hiệp hội, cơ quan chức năng của Nhật Bản cho biết chủ trương của Chính phủ nước này là mở rộng dần các ngành nghề, lĩnh vực cho thực tập sinh nước ngoài, đặc biệt từ Việt Nam và cam kết trao đổi, xem xét đề xuất về việc miễn thuế cư trú và thuế thu nhập. Điều này là tín hiệu tích cực về cơ hội việc làm, thu nhập cho lao đông đi làm việc ở Nhật Bản trong năm 2023.

Một tín hiệu rất đáng mừng khác đối với lao động Việt Nam là ngày càng có nhiều quốc gia tại các nước châu Âu quan tâm với việc tuyển dụng lao động Việt Nam, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm thu nhập cao cho lao động Việt Nam.

Hồi cuối tháng 12/2022, đoàn công tác của Bộ Thương mại và Phát triển xuất khẩu bang Saskatchewan (Canada) sang thăm Việt Nam đã có buổi làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Thương mại và phát triển xuất khẩu bang Saskatchewan, ông Jeremy Harrison, cho biết Canada đang thiếu lao động, đặc biệt trong hai ngành xây dựng và chăm sóc sức khỏe. Phía Canada mong muốn trong thời gian tới có thể triển khai biên bản thỏa thuận đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại quốc gia này.

Bộ trưởng Jeremy Harrison chia sẻ: "Canada đang có nhiều chính sách bảo vệ người lao động rất tốt, lao động Việt Nam có thể yên tâm về môi trường làm việc. Chúng tôi đã làm việc với Đại sứ quán Canada tại Việ Nam về việc cấp visa nhanh nhất cho lao động Việt Nam đã đủ điều kiện sang làm việc."

Lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết gần đây một số doanh nghiệp đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp phép tiến hành xúc tiến các thủ tục ký hợp đồng đưa gần 100 lao động Việt Nam sang làm việc tại Canada.

“Thị trường Canada được các doanh nghiệp, người lao động đánh giá là một môi trường làm việc tốt, có thu nhập cao, đời sống ổn định, các vấn đề về an sinh xã hội được chăm lo, đảm bảo,” Thứ trưởng Hoan đánh giá.

[Tăng cường kiểm tra và giám sát đưa người lao động đi làm ở nước ngoài]

Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam Keijo Norvanto cho hay nước này đang bị già hóa dân số, thiếu lao động, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe và rất cần tuyển dụng lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam để dự phòng thiếu hụt lao động trong tương lai.

Ông Rantakokko, Giám đốc điều hành Công ty GreenFiVi cho hay trong trong 5 năm 2023-2027, công ty dự kiến sẽ tuyển 2.500 lao động Việt Nam sang Phần Lan làm việc trong các lĩnh vực điều dưỡng, công nghiệp, nông-lâm nghiệp... với mức lương khởi điểm lao động được nhận là 1.940 euro/tháng (gần 50 triệu đồng/tháng) chưa kể làm thêm giờ. Khi có chứng chỉ hành nghề của Phần Lan, người lao sẽ được hưởng lương 2.240-3.000 euro/tháng (tương đương 56-75,5 triệu đồng/tháng).

Bên cạnh đó, từ năm 2023, Australia sẽ bắt đầu tiếp nhận 1.000 lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp với mức lương từ 3.200-4.000 AUD/tháng (khoảng 52-65 triệu đồng/tháng). Dự kiến nửa cuối năm 2023, chương trình này có thể triển khai.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… Bên cạnh đó, nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Romani...

Nâng chất lượng lao động Việt

Ngoài chỉ tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đặt ra tiêu chí tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định, từng bước mở rộng thị trường mới, tiềm năng để tăng dần số lượng lao động Việt Nam đi làm việc tại một số quốc gia châu Âu trong các ngành nghề mới với công việc ổn định và thu nhập cao.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết năm 2023, song song với việc mở thêm các thị trường mới thì việc nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng sẽ được chú trọng. Điều này giúp nâng cao thu nhập cho người lao động, tạo uy tín thương hiệu cho lao động Việt Nam.

Theo ông Liêm, "cửa ải" đầu tiên với lao động Việt Nam chính là ngoại ngữ và ý thức tổ chức kỷ luật. Đây là vấn đề đã được nêu ra nhiều trong thời gian qua, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Giỏi tiếng bản địa thì lao động có vị trí công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn, tránh được nhiều nguy cơ cũng như va chạm với quản lý. Ngoài ra, cơ hội việc làm sau khi về nước cũng luôn rộng mở với những người biết ngoại ngữ. Bên cạnh đó ý thức tổ chức kỷ luật tốt sẽ tạo uy tín, hình ảnh của người lao động Việt Nam ở các nước tiếp nhận lao động.

“Tôi từng gặp lao động không biết gì về vận hành máy móc, nhưng vốn ngoại ngữ khá nên chỉ vài tháng sang Nhật Bản đã vận hành thành thạo thiết bị. Hết 5 năm, lao động này được chuyển visa lao động bậc cao và đưa cả vợ con sang nơi làm việc,” ông Nguyễn Gia Liêm chia sẻ.

Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Hàn Quốc làm việc (Ảnh: PV/vietnam+)

Trong năm 2023, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ đẩy mạnh công tác gắn kết giữa doanh nghiệp dịch vụ với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc chuẩn bị, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động về ngoại ngữ, tay nghề, ý thức tổ chức kỷ luật sẽ được tăng cường để đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.

"Chúng tôi sẽ tập trung nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động cũng như phòng tránh tình trạng người lao động bị lạm dụng, cưỡng bức khi đi làm việc ở nước ngoài," ông Nguyễn Gia Liêm cho hay.

Đặc biệt, việc hàng loạt các thị trường mở cửa trở lại và mở cửa mới thêm các thị trường sẽ dễ phát sinh lừa đảo. Để lành mạnh hóa thị trường xuất khẩu lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hoạt động này sẽ nâng cao nhận thức của người lao động và xã hội, qua đó ngăn ngừa, hạn chế tình trạng lừa đảo, vi phạm pháp luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục