Trong quý 1/2022, xuất khẩu cá tra tăng gần 90% so với cùng kỳ năm trước, chiếm khoảng 27% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước.
Ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn, giá trị xuất khẩu cá tra đang tăng trưởng từ 2-3 con số.
Các chuyên gia và doanh nghiệp nhận định nhu cầu tiêu thụ các tra ở nhiều thị trường đang phục hồi mạnh mẽ, tạo cơ hội để xuất khẩu cá tra Việt Nam “bùng nổ” trong thời gian tới.
Cơ hội rộng mở
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) nhận định bức tranh xuất khẩu cá tra Việt Nam quý đầu năm nay và các quý tiếp theo có nhiều gam màu lạc quan do nhu cầu của các thị trường nhập khẩu như Hoa Kỳ, châu Âu và một số nước châu Á đều tăng.
Trong số đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đang tăng trưởng tốt. Sau khi kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR17 được công bố, các doanh nghiệp cá tra không bị áp thuế đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
[Sản xuất, xuất khẩu cá tra phục hồi mạnh mẽ sau 3 năm ảm đạm]
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ đạt hơn 160 triệu USD, tăng 123%.
Theo VASEP, hiện nay tình trạng lạm phát kỷ lục đang diễn ra ở Hoa Kỳ do chuỗi cung ứng đứt gẫy và tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, nhu cầu nhu yếu phẩm thiết yếu, thực phẩm, thủy sản tăng mạnh sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này.
Với thị trường châu Âu, lần đầu sau nhiều năm giảm sút, xuất khẩu cá tra sang khu vực này trong quý 1/2022 tăng 86,2% so với cùng kỳ 2021 với giá trị xuất khẩu đạt 46,7 triệu USD; trong đó, các thị trường lớn đều có mức nhập khẩu tăng trưởng từ 2-3 con số, cụ thể Tây Ban Nha tăng 67%, Hà Lan tăng 86%; Đức tăng 97%; Bỉ tăng 120%.
Tại thị trường Trung Quốc, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã tăng trở lại sau thời gian gặp khó khăn từ chính sách Zero COVID.
Tính đến hết tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 183,4 triệu USD, tăng hơn 163% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu đạt 97,5 triệu USD, tăng 119%.
Dự báo, trong quý 2/2022, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn tiếp giữ mức tăng trưởng cao do nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định do giá cá tra cạnh tranh và có thể lấp khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.
Các chuyên gia thị trường cá tra cũng cho rằng, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu sẽ tăng trưởng mạnh sau thời gian dài bị dồn nén bởi COVID-19.
Với thị trường Hoa Kỳ, các nhà nhập khẩu nước này tăng cường việc nhập khẩu cá tra khi mức tồn kho cá tra đã ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng cá da trơn tại Hoa Kỳ giảm trong 3 năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn của nước này. Đây cũng chính là hai yếu tố tạo đà cho ngành cá tra của Việt Nam tăng trưởng mạnh từ quý 4/2021 đến nay.
Ngoài các thị trường lớn kể trên, nhu cầu tiêu thụ các tra một số nước trong khu vực cũng đang tăng đáng kể.
Ba tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang thị trường Malaysia đã tăng trưởng tích cực trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tính đến giữa tháng 3/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường này đạt 7,45 triệu USD, tăng 138% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, Malaysia là thị trường điểm đến của gần 40 doanh nghiệp cá tra Việt Nam với sản phẩm xuất khẩu khá đa dạng như: cá tra phile đông lạnh, cá tra finger tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra formed tempura tẩm bột chiên sơ đông lạnh, cá tra nguyên con đông lạnh, cá tra cắt khúc/miếng đông lạnh, bong bóng cá tra sấy…
Sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Malaysia đang tăng; trong đó nhu cầu nhập các sản phẩm Halal (chứng nhận sản phẩm không có các chất cấm theo yêu cầu luật Hồi giáo) cũng tăng mạnh.
Đây có thể là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam gia tăng thị phần tại thị trường này.
Giá xuất khẩu tăng cao
Sau khi giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long lập đỉnh vào cuối quý 1/2022, giá trung bình xuất khẩu sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang hầu hết các thị trường cũng tăng mạnh.
Thị trường cá tra thế giới đang có chiều hướng tốt, đơn hàng tăng nhưng cá nguyên liệu đang thiếu.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 3/2022, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch đạt 350.000 tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP dự báo tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý 2/2022.
Hiện nay, giá cá tra cỡ 0,7-0,8kg/con dao động ở mức 31.000-32.500 đồng/kg; cỡ từ 1-1,2kg/con dao động mức 32.000-34.500 đồng/kg. Như vậy, so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000-10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021.
Bà Tạ Hà, chuyên gia thị trường cá tra thuộc VASEP, phân tích giá cá nguyên liệu tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2-3,4 USD/kg; trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Hoa Kỳ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.
Các lô hàng cá tra chế biến và được vận chuyển đi Hoa Kỳ trong thời gian này chủ yếu là phile cá tra đông lạnh cỡ lớn trong khi cá thương phẩm đông lạnh cỡ nhỏ và vừa đang thiếu hụt.
Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4-3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9-2,7 USD/kg). Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang xuất khẩu sản phẩm cá tra nguyên con/cắt xẻ bướm đông lạnh, bao tử cá tra đông lạnh, bong bóng cá tra khô, cá tra nguyên con bỏ nội tạng đông lạnh, da cá tra đông block đông lạnh... sang Trung Quốc.
Giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu cũng khả quan, dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg; trong số đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.
Theo bà Tạ Hà, giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới.
Nhu cầu tiêu thụ của các thị trường phục hồi mạnh, đơn hàng và giá xuất khẩu tăng giúp nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng bứt phá trong thời gian tới.
Đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) cho biết công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 8.300 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, tăng gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hiện công ty đã ký đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, đồng thời đơn vị cũng đã chuẩn bị kho hàng dự trữ lượng cá tra có giá trị đến 1.400 tỷ đồng để đón đầu sóng phục hồi tại các thị trường, đặc biệt là với các thị trường lớn tại khu vực châu Mỹ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn đều lên kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số.
Các doanh nghiệp cá tra đều xác định năm 2022 sẽ tập trung nguồn lực vào nuôi trồng và chế biến cho xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm từ con cá tra, thúc đẩy tăng trưởng về chiều sâu với mục tiêu đưa cá tra trở nên quen thuộc với nhiều thị trường hơn nữa./.