Nhiều chương trình giúp người dân TP.HCM ứng phó với dịch COVID-19

Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình thực tế nhằm hỗ trợ những gia đình trong khu phong tỏa, hoặc khu tự quản an tâm hơn.
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh xếp hàng mua sắm tại xe buýt bán hàng bình ổn. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19 bùng phát, Đảng ủy, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai nhiều mô hình để kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân trong khu vực phong tỏa, khu vực cách ly vượt qua dịch bệnh; đồng thời tiếp sức cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Giúp nhau mua nhu yếu phẩm

Từ thực tế có nhiều hộ dân đang thực hiện cách ly y tế tại nhà, cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều mô hình thực tế nhằm hỗ trợ những gia đình trong khu phong tỏa, hoặc khu tự quản an tâm hơn trong khoảng thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 .

Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động các cấp Hội cơ sở thực hiện các mô hình “Đi chợ giúp dân,” “Gian hàng 0 đồng” để tuyên truyền tiếp nhận sự đóng góp của tập thể, cá nhân, mạnh thường quân cho công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, tiếp nhận quà, nhu yếu phẩm, rau củ quả cho người dân; phân công nấu các bữa cơm nghĩa tình, phối hợp phát quà đến cho các hộ dân trong khu phong tỏa.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Diệu, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Củ Chi, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã nhanh chóng triển khai đến các hội cơ sở thực hiện mô hình “Đi chợ thay” giúp các hộ dân trong khu phong tỏa bớt phần nào lo lắng về việc mua nhu yếu phẩm.

Hội cũng đã thực hiện phối hợp với đơn vị thương mại như: Sài Gòn Co.op, cửa hàng liên kết Co.op Smile, SATRA và các cửa hàng tiện ích khác để có thể hoàn thành các đơn hàng của các hộ dân trong khu phong tỏa và Vùng xanh tự quản một cách nhanh nhất.

Tất cả các đơn hàng do tình nguyện viên của Hội Liên hiệp phụ nữ cơ sở tiếp nhận có tối thiểu từ 1 món trở lên. Bởi trong thời điểm dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn, không phải ai cũng có đủ điều kiện để đặt mua thực phẩm dùng trong nhiều ngày.

Người cần mua thực phẩm sẽ gửi đơn mua hàng tại chốt kiểm dịch của khu phong tỏa trước 3 giờ chiều ngày thứ hai và thứ tư hàng tuần. Cán bộ, hội viên sẽ tổng hợp đơn hàng và gửi đến điểm bán hàng gần nhất. Điểm bán hàng sẽ tiếp nhận đơn, soạn hàng theo từng đơn và chuyển đến địa chỉ của Hội.

[Thành phố Hồ Chí Minh linh động điều phối nhu yếu phẩm đến phường, xã]

Sau khi nhận hàng, Hội phối hợp với lực lượng chốt kiểm dịch giao hàng đến từng hộ gia đình, thu tiền và thanh toán lại cho bên cung cấp hàng hóa. Thời gian trả đơn hàng trước 10h30 sáng thứ tư và thứ sáu hàng tuần. Theo đó, đơn hàng đặt thứ hai sẽ giao hàng vào thứ tư và đơn hàng đặt thứ tư sẽ giao hàng vào thứ sáu.

Chị Kiều Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức cho biết, mô hình này cũng được thực hiện đồng loạt khắp các cơ sở của thành phố Thủ Đức. Khi kế hoạch được triển khai, hầu hết các Hội liên hiệp phụ nữ phường, xã đều đồng loạt hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phước Long B đã tổ chức 6 tổ “Đi chợ giúp dân” tại các khu phố, mỗi tổ có 11 thành viên. Việc đi chợ mua thực phẩm được triển khai từ 8 giờ đến 10 giờ 30 phút hàng ngày, phục vụ 7/7 ngày trong tuần.

Mô hình được thực hiện với phương thức, các hội viên phụ nữ phát đơn mua hàng có số điện thoại của người được phân công đi chợ đến các hộ trong khu phong tỏa, cách ly.

Người dân “order” (đặt hàng), các thành viên của Hội sẽ mua hàng, phân chia, ghi tên từng hộ dân một cách cẩn thận rồi chuyển đến các chốt phong tỏa, người dân nhận hàng tại chốt. Trung bình mỗi ngày, Hội thực hiện khoảng 36 lượt đi chợ.

Tính đến nay, Hội đã thực hiện 1.264 lượt “Đi chợ giúp dân” cho các hộ bị phong tỏa, cách ly trên địa bàn phường. Mô hình sẽ duy trì và thực hiện xuyên suốt đến khi hết dịch.

ATM gạo cùng bếp cơm yêu thương

Việc phải tổ chức các biện pháp giãn cách xã hội để đối phó với dịch COVID-19 đã gây ra nhiều khó khăn đối với người dân trong khu phong tỏa, nhất là những hộ gia đình lao động tự do, kiếm thu nhập từng ngày.

Nhiều điểm cơm từ thiện của người dân Thành phố có mặt kịp thời giúp người nghèo vượt khó trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Thời điểm giãn cách khiến họ không có việc làm. Những hỗ trợ như tiền trợ cấp của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có thể giúp họ một phần để giải quyết khó khăn như nhà trọ, điện, nước và những chi phí khác ngoài lương thực, thực phẩm.

Theo ông Đỗ Tiến Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, sau một thời gian chuẩn bị, kêu gọi và nhận được sự hỗ trợ của các đơn vị, phường Phước Long B đã vận hành “cây ATM gạo” với hơn 16 tấn gạo.

Máy hoạt động theo nguyên tắc tự động, tự nhận diện. Người nhận gạo chỉ cần đưa phiếu đã phát trước theo khung giờ đến máy ATM gạo, gạo sẽ tự động chảy ra. Mỗi người sẽ được nhận 5kg gạo/lần, chu kỳ được nhận lại là 7 ngày.

Bà Trương Thị Út, người nhận gạo tại “ATM gạo” chia sẻ, gia đình bà có 4 người, bản thân bà thì thường xuyên đau ốm, mẹ chồng sống chung đang bị tai biến, cuộc sống vô cùng khó khăn. Có sự hỗ trợ từ ATM gạo, gia đình có thêm lương thực qua những ngày này. Bà gửi lời cảm ơn sâu sắc đến chương trình.

Cùng với những chương trình thiết thực, cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân trong khu phong tỏa, “Vùng xanh tự quản,” Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B còn có chương trình “Người vận chuyển,” “Bếp cơm nghĩa tình”...

Ủy ban Nhân dân phường Phước Long B đã hình thành bếp cơm nghĩa tình, hỗ trợ hơn 100 suất cơm/ngày cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các nhu yếu phẩm tại bếp ăn được các tổ chức, đơn vị, các mạnh thường quân trong và ngoài địa bàn hỗ trợ. Mỗi suất ăn đều đảm bảo dinh dưỡng, hợp vệ sinh và được thay đổi từng ngày.

Song song đó, phường còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho các hộ nghèo, cận nghèo, người khuyết tật, các hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh.

Tính đến cuối ngày 6/8, phường Phước Long B đã phát gần 570 nghìn phần quà với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng; vận động 419 chủ nhà trọ giảm giá cho 6.338 người thuê trọ, với tổng số tiền 1,79 tỷ đồng; ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức với tổng số tiền 319,5 triệu đồng. 

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, các mô hình “Đi chợ giúp dân”, “Cây ATM gạo,” “Bếp cơm nghĩa tình” đã mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần san sẻ, động viên cho những hoàn cảnh khó khăn, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Trong thời gian tới, phường Phước Long B sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị; đồng thời kêu gọi sự chung tay đồng lòng của các mạnh thường quân để chia sẻ nhiều hơn với những hoàn cảnh khó khăn, những người bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.

Có thể thấy, ứng phó dịch bệnh COVID-19 không chỉ là những hoạt động khám chữa bệnh, điều trị cho những bệnh nhân nhiễm hoặc các ca nghi nhiễm để điều hòa cuộc sống, mang lại sức khỏe thể chất cho người bệnh, mà đây còn là những chương trình hành động thiết thực, gần gũi, cùng người dân giải tỏa nỗi lo cái ăn, thức ăn trong thời gian chống dịch, giúp người dân ổn định tinh thần khỏe mạnh, tạo nên bức tường đề kháng vững chắc ở tuyến sau hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục