Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công cuộc xóa đói giảm nghèo khi tỷ lệ nghèo đói giảm từ 58% năm 1992 xuống còn 7,6% cuối năm 2013. Tuy nhiên, những chính sách giảm nghèo đã không còn phù hợp, xuất hiện nhiều bất cập đòi hỏi phải thiết kế lại chính sách để đảm bảo thoát nghèo bền vững.
Đây là nhận định được đưa ra tại Lễ công bố dự án “Theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo tại Việt Nam” do tổ chức Oxfam tổ chức ngày 28/3.
Theo nghiên cứu rà soát chính sách của Oxfam mới đây, tính đến hết tháng 3/2014, tổng số văn bản chính sách liên quan đến giảm nghèo là 501, trong đó có 188 văn bản liên quan trực tiếp đến giảm nghèo đang có hiệu lực và 313 văn bản liên quan gián tiếp.
Đánh giá về hệ thống chính sách giảm nghèo của Việt Nam hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng nhiều chính sách vừa trùng lặp, vừa tản mạn khiến các địa phương khó khăn trong việc triển khai.
Đặc biệt, đa số chính sách còn nặng về bao cấp, hỗ trợ cho không nên tạo cho người dân tâm lý không muốn thoát nghèo. Chính vì vậy, việc rà soát đánh giá các chính sách để thiết kế lại hệ thống chính sách đang rất cần thiết.
Trong vòng ba năm từ 2014 tới 2016, dự án theo dõi và phân tích chính sách giảm nghèo của Oxfam sẽ triển khai hoạt động tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Lào Cai, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng trị, Đăk Nông, Ninh Thuận, Trà Vinh.
Dự án sẽ giám sát thường niên các chính sách giảm nghèo ở cấp cơ sở và phân tích sâu các chính sách theo bốn khía cạnh chính: Nghèo của người dân tộc thiểu số, khoảng cách giàu nghèo, nghèo đô thị và quản trị địa phương. Các lĩnh vực sẽ được tập trung phân tích là chính sách khuyến nông, dạy nghề, lập kế hoạch và phân cấp tài chính.
Phát biểu tại lễ công bố, bà Lê Thị Kim Dung, đại diện Oxfam tại Việt Nam cho biết, dự án sẽ theo dõi và đánh giá chính sách giảm nghèo để đưa ra những phát hiện và ý kiến khuyến nghị tới các nhà hoạch định chính sách cấp tỉnh, cấp trung ương về việc đổi mới xây dựng và thực hiện các chính sách đối với người nghèo tại Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù Việt Nam có rất nhiều chính sách về giảm nghèo nhưng
hầu như chưa có văn bản chính sách riêng nào về giám sát và đánh giá kết quả sử dụng nguồn lực, các phương pháp thực hiện các can thiệp giảm nghèo.
Trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, các chính sách xóa đói giảm nghèo hướng đến đa số người dân như trước đây không còn phù hợp.
Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần được tư vấn cải cách chính sách dựa trên bằng chứng chính xác, trong đó những kết quả của dự án này cũng sẽ là tài liệu cần thiết cho các cơ quan quản lý hoạch định chính sách giảm nghèo trong thời gian tới./.